Cách đây 50 năm, từ ngày 30/01 đến ngày 25/02/1968, quân và dân miền Nam đã đồng loạt thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy dịp Tết Mậu Thân năm 1968 trên toàn miền Nam, tấn công vào hầu hết các đô thị ở miền Nam và những cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền tay sai. Cuộc Tổng tiến công đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Có thể nói, cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là một thắng lợi quan trọng trong cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc Việt Nam, thể hiện tầm nhìn mang tính chiến lược của Đảng trong việc lựa chọn thời điểm tiến công, huy động nguồn lực cho cuộc tiến công, những vị trí tiến công, thời gian của chiến dịch. Qua đó thể hiện nhãn quan của những người lãnh đạo trong việc vận dụng quân sự, chính trị và ngoại giao để giành được những thắng lợi có ý nghĩa quan trọng.
Cuộc Tổng tiến công nổ ra đã làm thay đổi hoàn toàn tình thế của cuộc chiến, với những chiến thắng giòn giã trên mặt trận quân sự cho quân và dân ta. Quân đội Mỹ và đồng minh phải liên tiếp nhận những thất bại, tổn thất lớn. Đồng thời tạo ra những bước phát triển mới cho cách mạng cả về mặt chính trị, ngoại giao. Đòn đánh của quân dân ta vào những nơi mang tính chiến lược Mỹ và quân đội tay sai không chỉ làm rung chuyển miền Nam và còn làm chấn động cả nền chính trị và dư luận của nước Mỹ. Cũng từ đây, cuộc chiến tranh giành độc lập của nhân dân ta được những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới biết đến và lên tiếng ủng hộ. Và quan trọng nhất là cũng từ đây, Mỹ và tay sai buộc phải ngồi vào bàn đàm phán. Đến năm 1973, tại Paris, sau những thất bại liên tiếp về quân sự, chính trị, ngoại giao Mỹ phải chấp nhận những điều kiện của trong Hiệp định hòa bình và phải rút quân về nước.
Tuy cuộc chiến đã trôi dần, thắng lợi và thành tựu cách mạng của nhân dân ta đã đạt được là điều không thể bàn cãi. Nhưng các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước vẫn không thể chấp nhận sự thất bại của chúng, không ngừng tìm mọi cách chống phá cách mạng nước ta. Bằng nhiều hình thức khác nhau, chúng không ngừng tuyên truyền kích động thù hằn dân tộc, xuyên tạc lịch sử, đưa ra những quan điểm sai trái, những chứng cứ giả mạo, thông tin sai lệch, thổi phồng những tổn thất của ta nhằm làm giảm sút giá trị thắng lợi của ta, phục vụ cho những mưu đồ chống phá của chúng. Thiết nghĩ, những hành động và quan điểm sai trái đó rồi cũng sẽ trở nên lạc lõng, bị công luận, chính nghĩa soi xét và những âm mưu chống phá này cuối cùng cũng sẽ thất bại trước sức mạnh vĩ đại của nhân dân Việt Nam.
Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân nổ ra nhưng những giá trị lịch sử mà cuộc tiến công mang lại mãi mãi là những mốc son chói lọi trong trang sử vàng của dân tộc. Nhân dân Việt Nam có quyền tự hào về tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường quyết giành độc lập, tự do của những thế hệ người Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cũng hết sức trân trọng những đóng góp cũng như những mất mát, hy sinh của biết bao người chiến sỹ, người mẹ mất con, người vợ mất chồng trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại đó. Những giọt máu của các anh hùng liệt sĩ đã làm thắm tươi cho màu cờ Tổ quốc, mỗi thân thể các anh nằm xuống nơi chiến trường đã góp công xây dựng đền đài gấm vóc của đất nước Việt Nam hôm nay và không nơi đâu như đất nước Việt Nam này mà mỗi ngọn núi, mỗi con sông, mảnh đất đều hóa thành tượng đài bất tử, biểu tượng cho tinh thần đấu tranh vì độc lập, tự do, vì lý tưởng cách mạng.
Thế hệ hôm nay là những thế hệ được sống trong hòa bình, có điều kiện lĩnh hội những tri thức mới, những điều kiện thuận lợi mới. Do vậy cần tiếp tục phát huy tinh thần của cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân năm 1968, thực hiện “tiến công” trên những mặt trận mới. Đó là “tiến công” trên mặt trận lao động, học tập, khoa học kỹ thuật mới và giành thêm những thắng lợi mới để xây dựng đất nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở nên phồn thịnh hơn, phát triển hơn và giàu đẹp hơn.