Thực tế đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy, nhiều trường hợp để bắt giữ tội phạm, người bắt giữ buộc phải dùng vũ lực cần thiết để khống chế người có hành vi phạm tội. Nhiều trường hợp trong số đó tất yếu phải gây thiệt hại cho người bị bắt giữ. Tuy nhiên, BLHS năm 1999 chưa có quy định cụ thể loại trừ trách nhiệm hình sự trong các trường hợp này. Đây là một lỗ hỏng của Bộ luật Hình sự cũ trong cơ chế ngăn ngừa, đấu tranh và chống tội phạm.
Theo quy định tại Điều 24 Bộ luật Hình sự năm 2015 về “hành vi của người thực hiện nhiệm vụ bắt giữ người có hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm”. Đây là quy định mới, không chỉ tạo điều kiện cho các cá nhân, cơ quan có trách nhiệm đấu tranh trấn áp tội phạm thực hiện nhiệm vụ mà còn khiến người dân yên tâm khi thực hiện nghĩa vụ tham gia phòng, chống tội phạm.
Liên quan đến vấn đề này, cũng tại Điều 24 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định rõ: Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định này bảo đảm loại trừ và xử lý hình sự đúng đắn, chính xác các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội do “lạm dụng” hoặc vượt quá giới hạn yêu cầu của công tác “bắt giữ người phạm tội”.
Trên đây là quy định mới trong Bộ luật Hình sự năm 2015, tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành, người tiến hành tố tụng hình sự có cơ sở xem xét có tội phạm hay không có tội phạm đối với hành vi gây thiệt hại cho người bị bắt giữ.