Theo đó, Nghị định này gồm có 4 chương, 26 điều quy định đối tượng áp dụng là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có yêu cầu thành lập Hội đồng định giá tài sản; cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá tài sản; cơ quan, tổ chức cử người và cá nhân được cử tham gia Hội đồng định giá tài sản; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Định giá phải tài sản phải đảm bảo nguyên tắc: Phù hợp với giá thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá; Trung thực, khách quan, công khai, kịp thời.
Việc yêu cầu cử người tham gia Hội đồng định giá và việc cử người tham gia Hội đồng định giá phải thực hiện bằng văn bản; cơ quan, tổ chức cử người tham gia Hội đồng định giá phải đúng thời gian theo đề nghị của cơ quan thành lập Hội đồng định giá.
Cũng theo Nghị định 30/2018, việc thành lập Hội đồng định giá được quy định riêng biệt 02 trường hợp, đó là Hội đồng định giá theo vụ việc và Hội đồng định giá thường xuyên. Theo đó, Hội đồng định giá theo vụ việc có thể được thành lập ở cả 3 cấp (trung ương, tỉnh, huyện), còn Hội đồng định giá thường xuyên chỉ thành lập ở 02 cấp (tỉnh và huyện).
Thành phần Hội đồng định giá được quy định cụ thể, rõ ràng, có sự phân định theo từng cấp (huyện, tỉnh và trung ương) gồm: Chủ tịch Hội đồng, thành viên thường trực Hội đồng và thành viên Hội đồng. Số lượng thành viên Hội đồng định giá phải là số lẻ, tối thiểu là 03 người đối với cấp huyện, 05 người đối với cấp tỉnh và trung ương, đồng thời có thể thành lập Tổ giúp việc Hội đồng.
Hội đồng định giá hoạt động theo cơ chế tập thể. Cơ quan của người có thẩm quyền thành lập Hội đồng hoặc Chủ tịch Hội đồng phải đóng dấu vào các văn bản của Hội đồng và chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của Hội đồng. Hội đồng tiến hành định giá tài sản theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá tài sản quy định tại Nghị định này và các quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự; chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ quy định tại Quyết định thành lập hoặc khi có Quyết định của người có thẩm quyền.
Mặt khác, Nghị định cũng quy định người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được tham gia định giá tài sản, đó là: Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo; Đã tham gia định giá hoặc định giá lại tài sản đang được trưng cầu định giá; Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó; Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó; Có căn cứ rõ ràng để chứng minh người đó không vô tư trong khi thực hiện định giá; Người đang trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.
Về căn cứ định giá, Nghị định chia ra gồm: tài sản không phải là hàng cấm và tài sản là hàng cấm. Theo đó, đối với tài sản không phải là hàng cấm ngoài việc phải căn cứ vào giá thị trường, còn phải dựa vào: Giá do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định; Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; Giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có); Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá. Với tài sản là hàng cấm, phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau: Giá mua bán thu thập được trên thị trường không chính thức tại thời điểm và tại nơi tài sản là hàng cấm được yêu cầu định giá hoặc tại địa phương khác; Giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu hàng cấm; Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; Giá thị trường trong khu vực hoặc thế giới của hàng cấm; Giá niêm yết, giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại Việt Nam;…
Bên cạnh đó, trong trường hợp có nghi ngờ về kết luận định giá lần đầu được thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có đầy đủ căn cứ nghi ngờ về kết luận thì có thể định giá lại; Trong trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản cần định giá được thực hiện khi đồng thời thỏa mãn đủ các điều kiện sau thì có thể định giá lại lần thứ hai, đó là: Kết luận định giá lại khác với kết luận định giá lần đầu khi việc định giá lần đầu và định giá lại đều tuân thủ đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá quy định tại Nghị định này; áp dụng đúng thông tin, đặc điểm của tài sản cần định giá và nội dung yêu cầu định giá; Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp tục có đầy đủ căn cứ nghi ngờ về kết luận định giá lại. Trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc định giá lại tài sản khi đã có kết luận định giá lại lần hai của Hội đồng định giá.
Nghị định 30/2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2018 và thay thế Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Trường hợp những vụ việc do Hội đồng định giá các cấp đang tiến hành định giá theo quy định tại Nghị định số 26/2005 trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 26/2005.