Dự thảo Luật Tố Cáo sửa đổi gồm 9 Chương, 68 Điều quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quản lý giải quyết công tác giải quyết tố cáo…Qua nghiên cứu, tập thể Phòng 12 Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ nhận thấy còn một số Điều của dự án Luật Tố cáo chưa phù hợp, cần sửa đổi như sau:
1/ Tại điểm d khoản 2 Điều 11. Về quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo quy định: Thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo; thông báo về thời hạn thời gian giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo cho người tố cáo khi người tố cáo có yêu cầu. Đề nghị bổ sung thêm quy định “phải thông báo việc thụ lý giải quyết tố cáo cho người tố cáo và thông báo kết quả giải quyết cho người tố cáo”, vì như thế sẽ tránh được tình trạng người dân gởi đơn đến nhiều cấp nhiều ngành do không nhận được các thông báo trên.
2/ Tại Điều 15. Quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân: Dự thảo chỉ quy định đối tượng mà Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp là chưa đầy đủ, vì hiện nay Viện kiểm sát nhân dân các cấp đều có các đối tượng là người lao động khác như lái xe, bảo vệ, tạp vụ. Do vậy, đề nghị bổ sung thêm người lao động khác vì các đối tượng này khi bị tố cáo cũng do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp có thẩm quyền giải quyết.
3/ Tại Điều 22. Về hình thức tố cáo: Đề nghị Luật chỉ quy định 02 hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp bằng lời nói vì tố cáo là quyền và trách nhiệm của người dân do vậy người tố cáo phải có họ tên, địa chỉ rõ ràng và phải chịu trách nhiệm nếu tố cáo sai sự thật. Việc tố cáo bằng đơn và trực tiếp sẽ thuận lợi cho cơ quan giải quyết đơn, đồng thời tránh được tình trạng lợi dụng tố cáo tràn lan, tố cáo không đúng, ảnh hưởng đến danh dự uy tính của người bị tố cáo
Tại điểm b khoản 1 Điều 9 quy định được giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình. Do vậy,Việc tố cáo bằng bản fax hoặc thư điện tử sẽ không đảm bảo được bí mật (phải cung cấp số điện thoại khi tố cáo), điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tố cáo là được giữ bí mật về các thông tin cá nhân qui định tại Điều 9 của Luật này.
4/ Tại khoản 2 Điều 24. Về xử lý ban đầu thông tin tố cáo: Quy định trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn phải chuyển đơn tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết…., Điều 23 quy định: tố cáo bằng văn bản thì phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ, tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người tố cáo; người bị tố cáo, hành vi vi phạm pháp luật và các thông tin khác có liên quan…..Điều 23 đã quy định đầy đủ, cụ thể nên khi tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo để xác định và chuyển đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết chỉ quy định 03 ngày làm việc là phù hợp.
5/ Tại Điều 37. Việc tố cáo tiếp, giải quyết lại vụ việc: Trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng pháp luật thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo. Điều này chỉ quy định người tố cáo có quyền tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng nhưng không quy định trong thời gian bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận được kết quả giải quyết tố cáo thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp đến cơ quan cấp trên. Đề nghị bổ sung thời gian gửi đơn tố cáo tiếp để tránh được tình trạng thời gian tố cáo tiếp kéo dài vô thời hạn và gây khó khăn cho việc xác minh.
Việc ban hành Luật Tố Cáo (sửa đổi) là rất cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tố cáo năm 2011, đồng thời cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, góp phần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tố cáo trong giai đoạn hiện nay.