Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo ven bờ và hai quần đảo ngoài khơi là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa chỗ gần nhất cách Quảng Ngãi 120 hải lý về phía Đông. Điểm gần nhất của quần đảo Trường Sa cách Vịnh Cam Ranh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khoảng 250 hải lý về phía Đông.
Hai quần đảo này là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế và được công nhận bởi hàng loạt các bằng chứng pháp lý và lịch sử.
Nhận thức của các nhà hàng hải thời xưa về Hoàng Sa và Trường Sa lúc đầu còn khá mơ hồ; Họ chỉ biết có một khu vực rộng lớn rất nguy hiểm cho tàu thuyền vì có những bãi đá ngầm. Ngày xưa, người Việt Nam gọi là Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa hoặc Vạn lý Trường Sa như các sách và bản đồ cổ của Việt Nam đã chứng tỏ: Hầu như tất cả các bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII đều vẽ chung quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa làm một dưới cái tên Pracel, Parcel hay Paracels.
Về sau, với những tiến bộ của khoa học và hàng hải, người ta đã phân biệt có hai quần đảo: quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là ở giữa Biển Đông, phía Đông Việt Nam, bên ngoài những đảo ven bờ của Việt Nam.
Hai quần đảo mà các bản đồ hàng hải quốc tế ngày nay ghi là Paracels và Spratley hoặc Spratly chính là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Từ lâu, nhân dân Việt Nam đã phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo đó một cách thực sự độc lập, liên tục và hòa bình.
Như vậy, qua các sách lịch sử, địa lý cổ của Việt Nam cũng như chứng cứ của nhiều nhà hàng hải, giáo sĩ phương Tây đã khảng định, từ lâu và liên tục trong hàng mấy trăm năm, từ triều đại này đến triều đại khác, Nhà nước Việt Nam đã làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự có mặt đều đặn của các đội Hoàng Sa do Nhà thành lập nước trên hai quần đảo đó mỗi năm từ năm đến sáu tháng để hoàn thành một nhiệm vụ do nhà nước giao, tự nó đã là một bằng chứng đanh thép về việc Nhà nước Việt Nam thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo đó. Việc chiếm hữu và khai thác đó của Nhà nước Việt Nam không bao giờ gặp phải sự phản đối của một quốc gia nào khác; Điều đó càng chứng tỏ từ lâu quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã là lãnh thổ Việt Nam.
Từ khi ký với triều đình Nguyễn Hiệp ước 6-6-1884, Pháp đại diện quyền lợi của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại và việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Liên quan đến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, Pháp đã ký hiệp ước với nhà Thanh năm 1887; năm 1895, Pháp ký tiếp với nhà Thanh hiệp ước bổ sung. Trong khuôn khổ sự cam kết chung đó, Pháp tiếp tục thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Suốt trong thời gian đại diện Việt Nam về mặt đối ngoại, Pháp luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa và phản kháng những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo đó.
Khi trở lại Đông Dương sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đầu năm 1947, Pháp đã yêu cầu quân Trung Hoa dân quốc rút khỏi các đảo của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ chiếm đóng trái phép cuối năm 1946 và Pháp đã cho quân đến thay thế quân đội Trung Quốc, xây dựng lại trạm khí tượng và đài vô tuyến điện.
Chính quyền Sài Gòn, sau đó là cả Chính quyền Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cũng đều thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với nhiều sự kiện quan trọng.
Về quản lý hành chính, năm 1982, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai và huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, hiện nay huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng và huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa hoặc trong các công hàm gửi các bên có liên quan, hoặc trong các tuyên bố của Bộ Ngoại giao, hoặc trong các hội nghị của Tổ chức Khí tượng thế giới ở Giơnevơ, của Đại hội Địa chất thế giới ở Paris …
Từ những tư liệu lịch sử rõ ràng từ xưa đến nay và căn cứ vào những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, chúng ta mạnh dạn khẳng định rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam, Nhà nước Việt Nam luôn luôn bảo vệ tích cực các quyền và danh nghĩa của mình trước mọi mưu đồ và hành động xâm phạm tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa