Trong 05 năm qua (2012-2017), tổng số người được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù trở về cư trú địa phương trên địa bàn thành phố Cần Thơ là 2.724 trường hợp. Trong đó, số người hiện nay có việc làm, cuộc sống ổn định là 1.135 người chiếm tỉ lệ 41,67%, số người chưa có việc làm là 1.589 người chiếm tỉ lệ 58,33%. Nhìn chung, các đối tượng được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù về địa phương có xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo, trình độ nhận thức thấp, cuộc sống có nhiều biến cố, không ổn định, thiếu việc làm, thường tự ti, mặc cảm nên dễ bị lợi dụng, lôi kéo vào con đường tái phạm tội.
Chính vì vậy, thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với họ là một nhiệm vụ cần thiết, phải duy trì thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, đây cũng là một nhiệm vụ không hề đơn giản cho chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương và ngay cả chính bản thân họ và gia đình, bởi đâu đó vẫn còn sự mặc cảm của họ, sự e ngại, kì thị của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, doanh nhân và một bộ phận nhân dân đối với người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, tạo rào cản lớn trong giải quyết việc làm, vay vốn, hỗ trợ giải quyết khó khăn. Do đó, xã hội cần phải thể hiện trong những hành động thiết thực, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử, tạo điều kiện để họ có cơ hội ổn định cuộc sống, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Qua công tác kiểm sát tại Cơ quan thi hành án hình sự các cấp Công an thành phố Cần Thơ, trong quá trình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, đó là:
- Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở một số địa phương còn xem nhẹ biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, thường xem đó là nhiệm vụ của cơ quan Công an nên sự phối hợp thực hiện ở nhiều nơi còn mang tính hình thức.
- Công tác tham mưu đề xuất của lực lượng Công an ở một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ và phối hợp thực hiện từng lúc chưa đồng bộ, kịp thời. Việc quản lý những người chấp hành xong án phạt tù chưa thực hiện tốt, thiếu sự trao đổi thông tin kịp thời, thiếu sự phối hợp và phân công thực hiện.
- Một bộ phận người dân còn e ngại trong việc phối hợp cùng với chính quyền địa phương thực hiện biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
- Công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho các đối tượng còn nhiều hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra do đó hiệu quả mang lại không cao, tình trạng tái phạm do không có công ăn việc làm của các đối tượng vẫn còn diễn ra.
- Đa số người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có trình độ thấp, không có việc làm, ý thức tự giác vươn lên chưa cao, còn mang tâm lý e dè, mặc cảm với những người xung quanh.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức nhân rộng các điển hình tiên tiến ở một số địa phương (đối với đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù) vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu thường xuyên, thiếu phương pháp và thiếu kiểm tra đôn đốc.
- Một số địa phương còn thiếu cán bộ hoặc cán bộ được đào tạo chuyên sâu để thực hiện, thiếu kinh phí, thiếu cơ sở vật chất, điều kiện cần thiết trong công tác này cũng là yếu tố làm han chế đến kết quả thực hiện.
Theo báo cáo, đánh giá của các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố thì có một số người chấp hành xong án phạt tù trở về, nhờ sự giúp đỡ của gia đình đã đầu tư vốn vào sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động thiếu sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, đoàn thể dẫn đến thua lỗ, tự giải tán. Số khác khi trở về thì gia đình thường rơi vào cảnh khó khăn, nếu không được hỗ trợ kịp thời về vốn, tay nghề, kinh nghiệm sản xuất để họ có thể tự nuôi sống bản thân, khiến con đường tái phạm tội của họ rất dễ dàng.
Có một thực tế là ở nơi nào chính quyền, ngành công an, các đoàn thể, chính trị quan tâm, vào cuộc thì nơi đó có nhiều mô hình tham gia tiếp nhận quản lý, giáo dục người được đặc xá, tha tù, tái hòa nhập cộng đồng, thu hút được số thành viên tham gia, tạo công ăn việc làm ổn định, tỷ lệ tái phạm tội rất ít. Các mô hình hoạt động hiệu quả tạo được mối quan hệ trao đổi thông tin chặt chẽ giữa các lực lượng công an, các ban, ngành, đoàn thể. Qua đó, giúp người dân hiểu, chia sẻ, cùng giúp đỡ những phạm nhân chấp hành xong tự tin nắm lấy cơ hội, đứng dậy tạo lập một cuộc sống mới tươi sáng hơn.
Trong thời gian tới, để công tác bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù được hiệu quả, thiết thực hơn, cần nghiên cứu thực hiện tốt một số vấn đề sau:
1. Trại tạm giam cần tiếp tục nghiêm túc quán triệt và thực hiện quy định tại Nghị định 80/2011, trong đó cần tổ chức giáo dục, tư vấn về chính sách, pháp luật, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, về thị trường lao động, giáo dục kỹ năng sống, trang bị kiến thức cần thiết khác và hỗ trợ tư vấn các thủ tục pháp lý về đăng ký hộ khẩu, cấp giấy chứng minh nhân dân, xóa án tích, cấp phiếu lý lịch tư pháp,… cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù trước 02 tháng. Nếu có thể thì nên mời các cơ quan, tổ chức cá nhân tham gia truyền thông giáo dục và tạo các điều kiện cần thiết cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù.
2. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp trên địa bàn cần chủ trì tổ chức dạy nghề miễn phí cho các đối tượng này, có sự liên kết chủ động, mạnh mẽ với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm giải quyết công ăn việc làm.
3. Các cơ quan, đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội cần tiếp tục quan tâm giúp đỡ hỗ trợ vốn làm ăn, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
4. Tổ chức các mô hình tái hòa nhập cộng đồng mới phù hợp với tình hình và thực tiễn tại địa phương, đồng thời tiếp tục nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả nhằm đảm bảo người chấp hành xong án phạt tù phải thực sự được tái hòa nhập cộng đồng.
5. Công an thành phố cần nghiên cứu xây dựng Đề án “Bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với những phạm nhân được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn” nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ./.