Cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc để lại những hậu quả vô cùng tàn khốc. Hoàn cảnh đó đã thôi thúc các nước Đồng minh quyết tâm cùng nhau bảo vệ cuộc sống hòa bình, ngăn chặn các cuộc chiến tranh trên toàn thế giới. Với mục tiêu trên tại các Hội nghị Tehran (1943), Hội nghị Yalta (1945). Sau hàng loạt trao đổi trong các năm 1943-1945, từ ngày 25/4/1945 đến 26/6/1945, đại diện của 50 quốc gia đã họp tại San Francisco, Hoa Kỳ, soạn thảo và thống nhất thông qua Bản Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) gồm 19 chương và 111 điều khoản.
Ngày 24/10/1945 đánh dấu lịch sử của Liên hợp quốc khi bản Hiến chương được 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an cùng hầu hết các quốc gia tham gia ký kết phê chuẩn và có hiệu lực. “Nếu chúng ta có bản Hiến chương này cách đây vài năm, có lẽ đã không có những cái chết vô nghĩa. Chúng ta sẽ xây dựng một tương lai mà hàng triệu triệu người đang sống sẽ được đảm bảo. Có thời điểm cho những kế hoạch và thời điểm cho những hành động, và thời điểm đó chính là ở đây, chính vào lúc này” – phát biểu của tổng thống Harry S.Truman (Hoa Kỳ)
Liên Hợp Quốc được thành lập cùng 4 mục tiêu và 7 nguyên tắc cơ bản, theo đó giữ vai trò duy trì hòa bình và an ninh thế giới, phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc và tiến hành hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.Cụ thể các vấn đề toàn cầu như hòa bình và an ninh, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, các quyền con người, giải trừ quân bị, khủng hoảng nhân đạo và y tế, bình đẳng giới… Đồng thời đây cũng là diễn đàn để các nước thành viên thể hiện quan điểm tại Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế - Xã hội và các cơ quan, ủy ban trực thuộc khác.Thông qua việc thúc đẩy đối thoại, chủ trì thương lượng, Liên Hợp Quốc trở thành cơ chế để các quốc gia thành viên trao đổi quan điểm và cùng nhau giải quyết các vấn đề chung.
Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức tham gia Liên Hợp Quốc trở thành thành viên thứ 149 của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới. Sự kiện này mở ra một thời kỳ mới cho ngoại giao đa phương Việt Nam, với những đóng góp quan trọng vào thành công của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh củaViệt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực khi tham gia tổ chức, trong đó có đề cao vai trò của Liên Hợp Quốc và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế; tham gia đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của Liên Hợp Quốc về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người.
Đến nay, Liên Hợp Quốc đã trải qua 76 năm phát triển, trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của gần như toàn bộ các quốc gia độc lập. Vai trò và hoạt động của Liên Hợp Quốc được mở rộng về mọi mặt, nỗ lực hoạt động hướng tới thực hiện tôn chỉ, mục đích đã được đề ra, qua đó đem lại những tác động tích cực, to lớn đến đời sống quốc tế và từng dân tộc.Trụ sở của Liên Hợp Quốc tại TP New York, Mỹ. Từ 51 quốc gia thành viên khi mới thành lập, Liên Hợp Quốc hiện có gần 200 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm sáu cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ,…Tổ chức trở thành trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế để thực hiện các mục tiêu chung là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia; thúc đẩy hợp tác giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền và phẩm giá con người. Liên Hợp Quốc trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của gần như toàn bộ các quốc gia độc lập. Vai trò và hoạt động của Liên Hợp Quốc được mở rộng về mọi mặt, nỗ lực hoạt động hướng tới những tác động tích cực, to lớn đến đời sống quốc tế và từng dân tộc.Qua đó khẳng định Liên Hợp Quốc là một tổ chức không thể thiếu trong nền chính trị thế giới./.