Ngày 10/10/2017, Bộ tài chính ban hành Thông tư số 107/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/11/2017 và chính thức được áp dụng vào 01/01/2018; đồng thời thay thế các văn bản trước đây, như: Quyết định số: 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 về việc ban hành chế độ kế toán hành chính sự nghiệp; Thông tư số 185/2010/TT-BTC ngày 15/11/2010 hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 19/2006/QĐ-BTC.
Thông tư 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như sau:
- Về phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn danh mục biểu mẫu và phương pháp lập chứng từ kế toán bắt buộc; danh mục hệ thống tài khoản và phương pháp hạch toán tài khoản kế toán; danh mục mẫu sổ và phương pháp lập sổ kế toán; danh mục mẫu báo cáo và phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách của các đơn vị quy định tại Điều 2 Thông tư này.
- Về đối tượng áp dụng
Thông tư này hướng dẫn kế toán áp dụng cho: Cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập, trừ các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định hiện hành; tổ chức, đơn vị khác có hoặc không sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là đơn vị hành chính, sự nghiệp).
- Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp, nếu thực hiện đơn đặt hàng của Nhà nước hoặc có tiếp nhận viện trợ không hoàn lại của nước ngoài hoặc có nguồn phí được khấu trừ để lại thì phải lập báo cáo quyết toán quy định tại Phụ lục 04 của Thông tư này.
* Thông tư 107/2017/TT-BTC hướng dẫn cụ thể về các vấn đề sau:
- Danh mục biểu mẫu và phương pháp lập chứng từ kế toán bắt buộc;
- Danh mục hệ thống tài khoản và phương pháp hạch toán tài khoản kế toán;
- Danh mục các mẫu sổ và phương pháp lập sổ kế toán;
- Danh mục mẫu báo cáo và phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách của các đơn vị.
* Qua nghiên cứu các nội dung hướng dẫn trên có thể thấy được nhiều điểm mới cơ bản so với Quyết định 19/2006/QĐ-BTC và Thông tư số 185/2010/TT-BTC như sau:
- Về hệ thống chứng từ kế toán bắt buộc có 04 chứng từ bắt buộc trong đó có mẫu số C43-BB là khác biệt hoàn toàn so với trước đây.
- Về hệ thống tài khoản kế toán có nhiều thay đổi lớn và sử dụng tương tự như tài khoản kế toán doanh nghiệp.
Ví dụ: Trước đây, nguồn kinh phí thường xuyên do Ngân sách Nhà nước cấp là sử dụng tài khoản 461 nay sử dụng tài khoản 511, và khoản chi thường xuyên trước đây sử dụng tài khoản 661 nay sử dụng tài khoản 611. Điểm mới nổi bật là sử dụng tài khoản xác định kết quả hoạt động hành chính, sự nghiệp là tài khoản 911mà trước đây không sử dụng (thông tư 107/2017/TT-BTC sử dụng tài khoản 911 giống như kế toán xác định kết quả kinh doanh của kế toán doanh nghiệp)…
-Về hệ thống sổ sách kế toán không có gì thay đổi lớn so với trước đây chỉ sửa đổi một số biểu mẫu cho phù hợp quy định.
- Về hệ thống báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán đã thay đổi hoàn toàn so với trước đây và áp dụng tương tự như hệ thống báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán của kế toán doanh nghiệp.
Có thể nói, Thông tư 107/2017/TT-BTC ra đời có những điểm mới nổi bật so với trước đây và gần giống với kế toán doanh nghiệp. Tuy nhiên, để áp dụng thành công vào thực tiễn công tác đòi hỏi phải có sự nghiên cứu và tâp huấn nghiệp vụ trong thời gian tới.