Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, nhiều quy định mới, nhiều quy định sửa đổi được ban hành. Việc vận dụng không đúng, không đầy đủ sẽ dẫn đến vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, khó khắc phục. Vì vậy, để thực hiện tốt BLTTHS năm 2015, người viết xin chia sẻ một số nội dung sau:
Thứ nhất, kiểm sát viên phải tham gia kiểm sát khám xét 100% đối với các trường hợp khám xét có phê chuẩn của Viện kiểm sát theo quy định tại khoản 3 Điều 193 BLTTHS.
Thứ hai, kiểm sát việc thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 5, Điều 88 BLTTHS. Theo đó, khi tiếp nhận chứng cứ do cơ quan điều tra cung cấp, kiểm sát viên phải kiểm tra việc chấp hành về thời hạn giao chứng cứ (05 ngày đối với trường hợp bình thường, 15 ngày do trở ngại khách quan), việc giao nhận phải được lập biên bản cụ thể.
Thứ ba, kiểm tra lại thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam tất cả các vụ án đang kiểm sát điều tra, thụ lý đảm bảo không vi phạm quy định về thời hạn theo Điều 172, 173, 174 BLTTHS. Vì theo quy định BLTTHS năm 2015 thời hạn tạm giam ít hơn so với BLTTHS năm 2003.
Thứ tư, về thẩm quyền ký văn bản tố tụng, việc ủy quyền cho kiểm sát viên giữ chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng ký các quyết định tố tụng theo Phụ lục A và B ban hành kèm theo Quyết định số 07 ngày 02 tháng 01 năm 2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Ban hành Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự không còn phù hợp, cần chờ có hướng dẫn mới. Bởi vì, Khoản 4 Điều 41 BLTTHS quy định “Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát không được ủy quyền cho Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”
Thứ năm, đối với việc sử dụng hệ thống biểu mẫu trong thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử phải thực hiện theo quy định tại Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18 tháng 12 năm 2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự./.