Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018 có quy định một số vấn đề mới về chứng cứ, đó là:
Phá bỏ sự độc quyền của các cơ quan tố tụng trong việc thu thập chứng cứ; bổ sung người bào chữa và những người tham gia tố tụng có quyền thu thập, cung cấp chứng cứ (khoản 2 Điều 88). Đồng thời, quy định cụ thể cách thức người bào chữa thu thập chứng cứ, cũng như trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc xem xét chứng cứ do người bào chữa cung cấp (khoản 4, 5 Điều 88). Điều này đảm bảo cho quyền bào chữa của người bị buộc tội đồng thời nâng cao được hiệu quả trong quá trình thu thập chứng cứ.
Bổ sung dữ liệu điện tử là một nguồn chứng cứ quan trọng và đặc thù (điểm c khoản 1 Điều 87). Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đã làm biến đổi thế giới và trở thành phương tiện đa năng, hữu ích của con người. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin cũng đang bị lợi dụng đáng kể vào các hoạt động phạm tội. Có thể nói, ngoài xã hội có các loại tội phạm gì thì trên mạng thông tin toàn cầu cũng có loại tội phạm đó. Thế giới tội phạm mạng cũng bao gồm đầy đủ từ trộm cắp, lừa đảo, khủng bố đến giết người, buôn bán ma túy… Vì vậy, việc bổ sung dữ liệu điện tử vào nguồn chứng cứ là cần thiết và khách quan. Dữ liệu điện tử không phải là sự vật hay sự kiện như quan niệm truyền thống. Đây là những ký tự được lưu giữ trong thiết bị điện tử hoặc trên mạng internet mà từ đó có thể cho ra chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh… phản ánh sự kiện phạm tội. Những dữ liệu điện tử này một mặt rất dễ bị tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi, hủy bỏ do cố ý hoặc vô ý; Mặt khác, trong nhiều trường hợp tự nó không thể có giá trị chứng minh nếu không có sự tác động của nhà chuyên môn với sự trợ giúp của các thiết bị điện tử và chương trình phần mềm được thừa nhận là khách quan và khoa học. Trên cơ sở đó, Bộ luật quy định cụ thể trình tự, thủ tục thu thập, phục hồi, phân tích dữ liệu điện tử, cũng như việc sử dụng các thiết bị hoặc phần mềm được thế giới công nhận trong việc khôi phục dữ liệu nhằm bảo đảm tính khách quan, tính nguyên trạng và tính có thể kiểm chứng của loại chứng cứ này. Những đổi mới nêu trên sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, góp phần hoàn thiện lý luận về chứng cứ nói chung và chứng cứ điện tử nói riêng.