Luật quy định cụ thể, như sau:
+ Quy định về người đại diện theo ủy quyền: Khoản 3 điều 60 luật tố tụng hành chính “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được uỷ quyền cho cấp phó của mình đại diện”.
Thông thường người bị kiện trong các vụ án hành chính đều là Ủy ban, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, vì vậy đại diện theo pháp luật là phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, nhưng trên thực tế đại diện theo pháp luật hầu hết trong các vụ án đều có văn bản xin được xét xử vắng mặt theo quy định tại khoản 1 Điều 158, việc xin xét xử vắng mặt không trái quy định pháp luật nhưng đối với công tác giải quyết án thì sẽ không làm rõ được các nội dung liên quan đến việc khởi kiện, không đối thoại để thoả thuận được.
Mặc khác, nếu người được ủy quyền có mặt theo quy định thì đa số có thêm người hỗ trợ của đơn vị chuyên môn trực tiếp tham mưu về vụ việc, vì cơ quan tham mưu mới là người thật sự nắm rõ các vấn đề bị kiện. Việc này làm mất thời gian của người đại diện cũng như là đơn vị tham mưu và tốn nhiều nhân lực cho vụ án hành chính. Do đó cần có sự tổng kết, đánh giá lại sự hiệu quả trong việc giải quyết vụ án hành chính khi áp dụng khoản 3 điều 60 Luật tố tụng hành chính 2015.
+ Quy định về sự có mặt của Kiểm sát viên tại phiên tòa: Điều 156 luật tố tụng hành chính năm 2015 “Kiểm sát viên được Viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa nếu vắng mặt thì hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử”
Quy định này nhằm để Viện kiểm sát nói chung, kiểm sát viên nói riêng đề cao hơn trách nhiệm khi tham gia kiểm sát xét xử đối với vụ án hành chính. Trên thực tế từ trước đến nay, để thực hiện vai trò, nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo luật định thì Viện kiểm sát luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, luôn đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ vì lợi ích của đương sự, của nhân dân. do đó với quy định trên nhằm ràng buộc và đảm bảo sự có mặt của Kiểm sát viên cũng là điểm bất cập nếu không quy định thêm cụm từ “ không có lý do”.
Ví dụ: Trường hợp Kiểm sát viên cùng một ngày tham gia xét xử 02 vụ án trở lên và vào thời gian xét xử vụ án hành chính thì Kiểm sát viên đang tham gia xét xử vụ án lao động hoặc một vụ án khác thì trường hợp này có xem là Kiểm sát viên vắng mặt tại phiên tòa hành chính để rồi xét xử vắng mặt kiểm sát viên theo quy định không ? Quả thực nếu trường hợp này, Tòa án vẫn xét xử vụ án hành chính vắng mặt kiểm sát viên sẽ không phù hợp và không đảm bảo được chức năng kiểm sát của Kiểm sát viên tại phiên tòa hành chính.
Ngoài ra tại phiên tòa xét xử vụ án hành chính, nếu Kiểm sát viên vắng mặt Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử thì Viện kiểm sát sẽ bị hạn chế trong việc thực hiện chức năng kiểm sát tại phiên tòa hành chính theo luật định, phải chăng cần quy định “mở hơn” làm sao đảm bảo được sự có mặt của Kiểm sát viên tại phiên tòa hành chính nhằm tạo điều kiện Viện kiểm sát thực hiện tốt hơn chức năng kiểm sát của mình tại phiên tòa để bảo vệ pháp luật, bảo vệ nhà nước và bảo vệ công dân như Hiến pháp đã quy định.
Nếu so sánh với quy định tại điều 157; điều 159; điều 160 thì đương sự, người đại diện của đương sự, người làm chứng, người giám định nếu vắng mặt lần đầu tại phiên tòa thì hoãn phiên Tòa như vậy tại sao những người này thì quy định pháp luật lại mở cho họ được quyền vắng mặt lần đầu còn Kiểm sát viên là thành phần tiến hành tố tụng lại không được, chưa kể đến nếu kiểm sát viên trên đường đến Tòa án để tham gia xét xử nhưng gắp sự cố khách quan như tai nạn, gặp các bệnh đột ngột… không thể đến tham dự phiên tòa được thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án hành chính vắng mặt kiểm sát viên vậy có phù hợp không? Do đó rất cần văn bản hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện điều 156 Luật tố tụng hành chính nhằm đảm bảo được sự có mặt 100% kiểm sát viên tại phiên tòa hành chính và đảm bảo được việc thực hiện chức năng của Viện kiểm sát tại phiên tòa hành chính.
+ Quy định về phiên tòa hành chính theo thủ tục rút gọn: Nghiên cứu về lịch sử pháp luật thế giới thì quy định về việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án hành chính đã được áp dụng từ lâu vì nó có nhiều ưu điểm như sau: Đối với đương sự, việc xét xử theo thủ tục rút gọn sẽ tiết kiệm chi phí, công sức cũng như giảm bớt những phiền phức, nhất là đối với người thắng kiện vì đáng lẽ họ không phải gánh chịu những thiệt hại, phiền phức này. Từ đó lòng tin của người dân vào hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung được nâng lên, tạo thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng. Khi việc khiếu kiện tham gia tố tụng của người dân được thuận lợi thì khi đó họ sẽ chọn phương thức giải quyết tranh chấp là khởi kiện tại Tòa án, có sự tham gia của cơ quan tố tụng. Hơn nữa, đây cũng là điều kiện thuận lợi để người dân tham gia vào việc giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung, cơ quan tư pháp nói riêng. Áp dụng thủ tục rút gọn sẽ giảm thời gian giải quyết vụ án nhưng vẫn đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi của các bên, giảm công việc của thẩm phán, thư ký đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của tòa án. Với việc giải quyết nhanh chóng các tranh chấp; khiếu kiện, thủ tục rút gọn góp phần làm giảm đáng kể số lượng án ngày càng gia tăng trong giai đoạn hiện nay và xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, mục đích và ý nghĩa của thủ tục rút gọn chỉ thực sự đạt được nếu vụ án đã áp dụng thủ tục rút gọn không chuyển sang tục thủ tục chung để giải quyết. Nếu vụ án đã áp dụng thủ tục rút gọn, sau đó cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng thủ tục chung để giải quyết thì sẽ không rút ngắn được về thời gian, không đơn giản được về thủ tục, thậm chí còn làm cho trình tự tố tụng kéo dài và phức tạp hơn nếu chỉ áp dụng thủ tục chung để giải quyết. Vì vậy, cần hạn chế việc xác định không đúng các điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn, rồi sau đó lại chuyển thành thủ tục giải quyết vụ án thông thường theo thủ tục chung. Trên thực tế, tại Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ từ khi luật tố tụng hành chính có hiệu lực đến nay thì Tòa án chưa chọn được vụ án hành chính nào để thụ lý theo thủ tục rút gọn, thông thường khi ở giai đoạn thụ lý Tòa án chưa đánh giá được vụ án hành chính có thuộc đối tượng để áp dụng thủ tục rút gọn hay không vì ở giai đoạn này chủ yếu là chỉ có thông tin từ 01 phía là người khởi kiện và còn phải làm rõ nhiều vấn để. Do đó cần có sự tổng kết nhằm đánh giá lại hiệu quả của việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án hành chính để có văn bản hướng dẫn thực hiện phù hợp hơn.
+ Về văn bản hướng dẫn áp dụng: Luật tố tụng 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016, tính đến nay đã hơn 01 năm, ngoài việc ban hành Thông tư liên tịch số 03/2016 ngày 31/8/2016 và các công văn giải đáp của Tóa án nhân dân Tối Cao thì chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật tố tụng hành chính. Xét thấy với những điểm vướng đã phân tích trên thì cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để việc áp dụng luật tố tụng hành chính vào thực tế được thuận tiện và hiệu quả.