Các Vua Hùng là những người đầu tiên viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam và truyền nối cho muôn đời con cháu đến hôm nay và mai sau. Tưởng nhớ và biết ơn các Vua Hùng là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của mỗi người dân Việt Nam ta, thể hiện niềm tự hào và tự tôn dân tộc đồng thời để tăng thêm sức mạnh cho chúng ta, phấn đấu đưa đất nước tiến tới văn minh và giàu mạnh. “Dù ai đi ngược về xuôi – Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba” – đó là lời ông cha đã dạy đối với con cháu để nhớ về công lao dựng nước của các vua Hùng. Trải hơn bốn nghìn năm lịch sử, đất nước ta đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao cuộc xâm lược, đã bao lần trở thành một nước thuộc địa từ thời kỳ Bắc thuộc nghìn năm đến thời là thuộc địa của thực dân Pháp, Mỹ. Nhưng tất cả con dân người Việt đã ngoan cường, anh dũng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Và trên hết, dù thời cuộc đổi thay thế nào thì tất cả mọi người dân Việt đều nhắc nhở nhau nhớ một điều là ngày mùng mười tháng ba hàng năm là ngày Quốc giỗ - Giỗ tổ Vua Hùng.
Ngày 18/9/1954, trước Đền Hạ thuộc Đền Hùng, Phú Thọ, Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Bác căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời Bác dạy không chỉ đối với quân đội, mà còn đối với toàn Đảng, toàn dân. Lịch sử đã chứng kiến dân tộc ta luôn phải đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Và trong gian khổ, hy sinh, dân tộc ta đã tạo nên một truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường, thông minh, sáng tạo. Và chiến công hiển hách nhất đó là nền độc lập tự do và hòa bình của đất nước, khẳng định chủ quyền và xây dựng, phát triển bản sắc dân tộc.
Ngày nay, khi đất nước đang hòa bình, phát triển, cả dân tộc ta đã và đang đứng trước những thời cơ nhưng cũng không ít thách thức. “Giặc ngoại xâm” là các thế lực thù địch luôn chống phá đến “giặc nội xâm” là tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng, những con sâu nước, mọt dân làm giảm uy tín của Đảng đối với nhân dân. Ngành kiểm sát nhân dân với trách nhiệm là Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Ngành kiểm sát nhân dân trong công tác luôn luôn nêu cao lời Bác đã dạy đối với mỗi cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Trong công tác Thực hành quyền công tố, kiên quyết đấu tranh chống mọi loại tội phạm, không nhân nhượng hay thỏa hiệp với tội phạm. Trong kiểm sát hoạt động tư pháp đảm bảo cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo công bằng, giữ cho đất nước bình yên, phát triển đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm của ngành. Đối với mỗi cán bộ Ngành Kiểm sát nhân dân hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó cũng là góp phần thực hiện lời dạy của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.