Trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó ngành Y tế và các ngành có liên quan là lực lượng nòng cốt. Nhà nước cần phát huy vai trò chủ đạo của các bệnh viện và cơ sở y tế công lập trong việc tổ chức cung cấp dịch vụ y tế, bảo đảm các dịch vụ cơ bản cho đông đảo nhân dân, đồng thời khuyến khích cung cấp dịch vụ theo yêu cầu. Tập trung ưu tiên đầu tư từ ngân sách và có cơ chế, chính sách phù hợp huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để phát triển y tế và các dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân. Không ngừng phấn đấu nâng cao sức khoẻ, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; bảo đảm mọi người dân đều được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ; bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc tham gia và hưởng thụ bảo hiểm y tế và các dịch vụ có liên quan.
Nghề y là một nghề cao quý với nhiều đặc thù riêng, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc, đại chúng; xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và hội nhập. Phát triển cân đối, đồng bộ giữa y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, giữa dân y và quân y, gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại. Thực hiện phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt; y tế cơ sở thực sự là nền tảng. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ sở y tế hiện có của Nhà nước, bao gồm cả dân, quân y, gắn với khuyến khích hợp tác công - tư, phát triển lành mạnh y tế ngoài công lập; xây dựng hệ thống y tế rộng khắp, gần dân, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Để thực hiện được mục tiêu, yêu cầu đề ra, cần triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp trên tất cả các ngành và lĩnh vực có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phải chủ động, tích cực vào cuộc; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phong trào toàn dân tham gia rèn luyện thân thể; cải thiện điều kiện sống, lối sống và làm việc; bảo vệ môi trường sinh thái và vệ sinh an toàn thực phẩm; thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, sinh hoạt điều độ, lành mạnh.
Đổi mới mạnh mẽ lĩnh vực y tế và các ngành có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân; tăng cường y tế dự phòng, nâng cao sức khoẻ gắn với đổi mới, phát huy vai trò của hệ thống y tế cơ sở. Hệ thống y tế cơ sở phải nắm chắc, quản lý, theo dõi sức khoẻ của từng hộ, từng người dân trên địa bàn; có đủ năng lực để điều trị, chăm sóc các bệnh mãn tính theo đúng nguyên lý y học gia đình, chăm sóc tại cộng đồng, hạn chế việc phải nhập viện; khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; nâng cao y đức; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh. Đẩy mạnh phát triển ngành Dược và thiết bị y tế, bảo đảm đủ thuốc và thiết bị có chất lượng tốt, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh. Chăm lo phát triển nguồn nhân lực và khoa học ngành Y. Thực hiện chế độ chứng chỉ hành nghề theo thông lệ quốc tế. Nâng cao năng lực nghiên cứu, triển khai ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật y tế, dược, sinh học. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách tài chính y tế, đặc biệt là sớm thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; đổi mới phương thức chi ngân sách nhà nước cho y tế; đổi mới cơ chế về giá, phí dịch vụ phù hợp, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, khắc phục tình trạng thương mại hoá dịch vụ khám, chữa bệnh. Có lộ trình thực hiện giá dịch vụ y tế và chế độ tiền lương phù hợp với đặc thù của ngành Y. Đẩy mạnh kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả hoạt động của các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về y tế gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 có những điểm nổi bật như: Người dân được chăm sóc sức khỏe về mọi mặt ban đầu, từ tư vấn, hướng dẫn ăn sạch, dinh dưỡng hợp lý, ở sạch, chế độ luyện tập và quản lý áp lực trong cuộc sống để phòng chống bệnh không lây nhiễm như: Tăng huyết áp, tim mạch bằng cách tránh xa các yếu tố gây bệnh như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia... Đồng thời người dân được khám, sàng lọc sớm các bệnh lý mãn tính không lây nhiễm như: Tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư… Đặc biệt việc này gắn với y tế cơ sở là trạm y tế xã, phường và trung tâm y tế huyện theo nguyên lý y học gia đình gần dân nhất, theo hướng quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân.
Đối với người bị bệnh, thông qua hỗ trợ của Nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc diện chính sách, họ được bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám, chữa bệnh. Vì vậy, phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để làm sao thời gian nằm viện của người bệnh ít nhất, thời gian chờ đợi ít nhất và quyết liệt đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ y tế để người dân hài lòng nhất khi tiếp cận dịch vụ y tế.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm còn diễn biến phức tạp, cùng với ý thức tự bảo vệ của người dân còn rất hạn chế, tỷ lệ người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn nhiều khó khăn. Do đó, để Nghị quyết đi vào cuộc sống thì ngoài các giải pháp chung cần phải chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư về ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện lối sống lành mạnh; tăng cường thực hiện các giải pháp phòng bệnh trong Nhân dân; đẩy mạnh các biện pháp chế tài để xử nghiêm đối với những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, an toàn thực phẩm, phẩm bảo đảm an toàn,… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ của người dân.