Một trong những nguyên tắc cơ bản và tiến bộ được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 là nguyên tắc suy đoán vô tội. Nguyên tắc này được xem là một nguyên tắc nhân đạo, góp phần hữu hiệu vào việc bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự. Bản chất của nguyên tắc suy đoán vô tội được hiểu là khi chứng cứ buộc tội không đầy đủ, thiếu tính vững chắc thì cơ quan tiến hành tố tụng phải suy đoán, giải thích theo hướng có lợi cho người có hành vi đó, nghĩa là đưa ra kết luận người đó không thực hiện hành vi phạm tội.
Trước đây, có những quan điểm cho rằng nội dung quy định tại Điều 9 - Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” được xem là nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 cũng như những văn bản pháp luật có liên quan không có quy định chính thức về nguyên tắc “suy đoán vô tội”.
Đến Hiến pháp năm 2013 nguyên tắc suy đoán vô tội tiếp tục được quy định tại Khoản 1 - Điều 13 với nội dung “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Để cụ thể hóa quan điểm tiến bộ này, Điều 13 - Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”. Có thể nói, lần đầu tiên nguyên tắc suy đoán vô tội được chính thức quy định trong BLTTHS 2015. Đây là một quy định tiến bộ là sự cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp 2013 về bảo đảm quyền được suy đoán vô tội của người bị buộc tội. Nó không chỉ phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước mà còn chứng tỏ quyền con người ngày càng được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.
Điều 13 - BLTTHS năm 2015 ghi nhận nguyên tắc “suy đoán vô tội” với những nội dung của quy phạm bao hàm cả nội dung ở nguyên tắc Điều 9 - BLTTHS năm 2003. Bên cạnh đó, Điều 13 BLTTHS năm 2015 đã mở rộng hơn nội hàm so với Điều 9 - BLTTHS 2003, thể hiện được bản chất của nguyên tắc “suy đoán vô tội”, đó là “khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội”.
Song song với những nội hàm của nguyên tắc suy đoán vô tội thì tại Điều 15 của Bộ luật TTHS 2015 cũng quy định về nguyên tắc xác định sự thật của vụ án như sau: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Thực chất đây cũng thuộc về nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội. Như vậy, để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội, trên cơ sở đó truy cứu trách nhiệm hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được người bị buộc tội là người thực hiện hành vi phạm tội nào đó được quy định trong Bộ luật Hình sự. Nếu không chứng minh được một người đã thực hiện tội phạm thì không thể kết tội người đó. Người bị buộc tội không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội....
Do đó, việc ghi nhận nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong BLTTHS năm 2015 đặt ra cho các cơ quan tiến hành tố tụng phải cẩn trọng hơn nữa và có trách nhiệm hơn trong hoạt động chứng minh tội phạm. Bên cạnh đó, khi có những vụ án rơi vào trường hợp chứng cứ không đầy đủ, thiếu tính vững chắc thì người tiến hành tố tụng sẽ dễ dàng hơn trong việc đưa ra kết luận về kết quả của vụ án theo nguyên tắc “suy đoán vô tội”, hạn chế tình trạng tạo ra những chứng cứ khống, gây oan sai như đã xảy ra trong thời gian qua. Như vậy, nguyên tắc này đảm bảo cho sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án.