Theo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 được Quốc hội thông qua vào ngày 20/6/2017 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2018. Điều 3 - Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định vũ khí bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự. Việc trang bị, quản lý, sử dụng các loại vũ khí phải đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện của vũ khí trang bị.
Việc các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được Quốc hội ban hành, được Chính phủ quy định chi tiết và được triển khai thực hiện là hết sức cần thiết. Qua đó từng bước đưa việc quản lý, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đi vào nề nếp, chặt chẽ, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trên cả nước và riêng tại địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn nhiều khó khăn, phức tạp và đã có những vụ việc phạm tội xảy ra với việc người phạm tội sử dụng vũ khí gây án, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe của người khác.
Thứ nhất là tình trạng một số đối tượng tự chế tạo, tàng trữ các loại vũ khí thô sơ như: mã tấu, dao, kiếm..và cất giấu hoặc mang theo bên người.. Thậm chí các đối tượng còn tự chế tạo ra một số loại đồ vật có tính năng tương tự như công cụ hỗ trợ như: roi điện, gậy baton, gậy ba khúc;..Việc tìm hiểu nguyên lý và phương pháp chế tạo các loại công cụ này tương đối dễ dàng do có thể tìm hiểu trên mạng internet hoặc do các đối tượng trực tiếp hướng dẫn cho nhau.
Thứ hai là còn diễn ra tình trạng cất giấu, tàng trữ các loại vật liệu nổ như: thuốc nổ, pháo nổ, thuốc súng và các loại hóa chất có thể dùng để chế tạo thuốc nổ, gây nổ...
Thứ ba là việc mua sắm các loại vũ khí, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ bằng các hình thức như mua bán qua mạng, đặt hàng đang diễn ra hết sức phức tạp, các đối tượng có nhu cầu dễ dàng liên hệ, trao đổi mua sắm những loại vũ khí, công cụ hỗ trợ nhưng chưa được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ. Do việc mua sắm khá dễ dàng trong việc tìm kiếm và đặt mua các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ này nên đã xảy ra hàng loạt vụ án các đối tượng sử dụng vũ khí vào mục đích phi pháp, tấn công vào những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt như ngân hàng, tiệm vàng...
Thứ tư là việc một số cơ sở kinh doanh các loại phế liệu mua, tàng trữ và tái chế các loại vũ khí, vật liệu nổ sau chiến tranh. Đây là việc làm hết sức nguy hiểm không chỉ cho tính mạng của những người làm việc tại cơ sở mà còn gây nguy hiểm cho người dân khu vực xung quanh. Đây cũng là nơi có thể cung cấp các loại vật liệu nổ cho những đối tượng có nhu cầu nhưng chưa được thường xuyên kiểm tra, phát hiện ngăn chặn.
Về hậu quả của việc chế tạo, tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí trái phép đối với cộng đồng là rất nguy hiểm. Trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, qua công tác kiểm sát các tố giác, tin bào về tội phạm về hành vi cố ý gây thương tích đã ghi nhận các trường hợp các đối tượng đánh nhau đều có sử dụng các loại vũ khí nguy hiểm như: mã tấu, dao, gậy ba khúc...đối tượng sử dụng chủ yếu là thanh thiếu niên và thậm chí cả học sinh cấp 3. Rất nhiều trường hợp học sinh, thanh thiếu niên khi đi học, đi làm việc có mang theo vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trong người và sẵn sàng sử dụng chúng vào việc đánh nhau hoặc mục đích phi pháp khác. Việc đánh nhau hoặc sử dụng trái phép các loại vũ khí như đã nêu không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn có khả năng gây chết người, gây tâm lý hoang man cho người dân.
Từ thực trạng trên cho thấy tuy pháp luật có quy định về việc sử dụng, quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tuy nhiên cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm siết chặt công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong cộng đồng, hạn chế những tai nạn và những vụ việc hình sự xảy ra, bảo vệ đời sống nhân dân và trật tự an toàn xã hội.