“Giới hạn xét xử” là một trong những quy định quan trọng của mục III chương XXI BLTTHS năm 2015. Trên cơ sỏ kế thừa những về giới hạn xét xử của Điều 196 BLTTHS năm 2003, Điều 278 BLTTHS năm 2015 quy định chia thành 3 khoản như sau:
1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn Viện kiểm sát đã truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội nặng hơn.
Theo quy định của Điều 298 thì giới hạn xét xử của BLTTHS năm 2015 bao gồm 03 nội dung như sau:
Một là, Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Như vậy, ta thấy BLTTHS năm 2003 quy định “Tòa án chỉ xét xử những bị cáo ...” trong khi BLTTHS năm 2015 tách thành một khoản độc lập và quy định “Tòa án xét xử những bị cáo…”, đã bỏ đi từ chỉ. Theo đó, khẳng định Tòa án xét xử người thực hiện hành vi phạm tội phải bị Viện kiểm sát truy tố bằng bản cáo trạng, nếu Viện kiểm sát không truy tố thì sẽ không có cơ sở để xét xử. Ở đây, cần lưu ý đến các trường hợp, Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án và những trường hợp không được khởi tố vụ án hình sự.
Hai là, Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
Về điểm này BLTTHS năm 2015 vẫn giữ nguyên quy định của BLTTHS năm 2003 và tách riêng thành một khoản độc lập khác. Theo đó, Toà án có thể xét xử bị cáo với những hành vi mà Viện kiểm sát truy tố, Toà án cũng có thể xét xử bị cáo về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố. Tuy nhiên, ở đây khi xác định rõ tội phạm khác bằng hoặc nhẹ hơn tội phạm mà Viện kiểm sát đã truy tố là trường hợp điều luật quy định về trách nhiệm hình sự bao gồm cả hình nhiều yếu tố đối với hai tội phạm đó.
Như vậy căn cứ vào đâu để xác định tội nào nhẹ hơn, tội nào nặng hơn thì trước hết xem xét hình phạt chính đối với hai tội phạm, nếu tội nào điều luật có quy định loại hình phạt nặng nhất nặng hơn thì tội đó nặng hơn, trong trường hợp điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất đối với cả hai tội là tù có thời hạn thì tội nào, điều luật quy định mức hình phạt tù cao nhất đối với tội ấy cao hơn là tội đó nặng hơn…, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà có cách xem xét cho phù hợp với vụ án. Đồng thời, Toà án cũng có thể xét xử bị cáo về tội nhẹ nhất trong các tội mà Viện kiểm sát truy tố hoặc về tội nhẹ hơn tất cả các tội mà Viện kiểm sát truy tố đối với tất cả các hành vi phạm tội đó.
Ba là, trong trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.
Đây là quy định mới được BLTTHS năm 2015 bổ sung so với quy định của BLTTHS năm 2003 nhưng thật sự rất cần thiết trong công tác xét xử của Tòa án, cũng như việc thể hiện quan điểm truy tố của Viện kiểm sát. Bởi vì, BLTTHS năm 2003 không quy định việc Tòa án được xét xử tội danh nặng hơn đã dẫn đến tình trạng trên thực tế Tòa án đã trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần và Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm, Hội đồng xét xử phải xét xử theo đúng quy định của pháp luật nên đôi khi vụ án bị hủy, sửa ở giai đoạn phúc thẩm.
Vì vậy, việc bổ sung quy định này cũng là một trong những nguyên tắc xét xử độc lập của Tòa án được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận và cũng phù hợp với quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Trong trường hợp không đồng ý với tội danh nặng hơn mà Tòa án đã xét xử thì Viện kiểm sát có quyền kháng nghị theo đúng các trình tự, thủ tục quy định của BLTTHS năm 2015.