Di chúc, di tặng và hợp đồng tặng cho tài sản đặc biệt là hợp đồng tặng cho bất động sản là một trong những vấn đề thường hay gặp trong quá trình kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự. Do đó, việc phân biệt sự giống nhau, khác nhau và việc nắm vững các quy định liên quan đến lĩnh vực này sẽ giúp cho quá trình kiểm sát việc lập hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ, thuận lợi và có hướng đề xuất chính xác, hợp lý nhất.
+ Đầu tiên, nói là về hợp đồng tặng cho tài sản theo quy định Điều 457 Mục III Chương XVI Các hợp đồng thông dụng của BLDS năm 2015 như sau: Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận. Theo quy định này, đối tượng của hợp đồng tặng cho là tài sản, khi các bên thực hiện việc tặng cho thì sẽ làm chuyển dịch tài sản từ sở hữu của người tặng cho sang sở hữu của người được tặng cho. Một điểm đặc trưng nữa của hợp đồng tặng cho là không mang tính đền bù và đối tượng hợp đồng phải là tài sản đang có, đang tồn tại chứ không phải tài sản hình thành trong tương lai.
Nếu hợp đồng tặng cho là động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản (Điều 458 BLDS), còn là bất động sản thì phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký (Điều 459 BLDS).
+ Về di chúc, được quy định tại Chương XXII Điều 624 BLDS năm 2015: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết, như vậy, xét về mặt pháp lý thì đây là một giao dịch dân sự thể hiện ý chí đơn phương của một người định đoạt tài sản của cá nhân cho những người thừa kế sau khi người có tài sản chết đi. Tuy nhiên, để cho di chúc có hiệu lực thì việc lập di chúc phải tuân theo các quy định của pháp luật dân sự như: người lập di chúc phải có năng lực hành vi dân sự, về độ tuổi, sức khỏe… về hình thức của di chúc: bằng văn bản hoặc bằng miệng, có người làm chứng…
+ Về di tặng, cũng được quy định cùng Chương của di chúc tại Điều 646 BLDS năm 2015: Di tặng là việc lập người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác, theo quy định này thì người được di tặng có thể là người thừa kế hoặc cũng có thể không phải là người thừa kế di sản và cũng không phải là hợp đồng tặng cho giữa người cho và người nhận.
Như vậy về sự giống nhau giữa di chúc, di tặng và hợp đồng tặng cho tài sản là quyền quyết định, định đoạt về tài sản của người có tài sản, là sự chuyển giao tài sản thuộc quyền sở hữu của người này sang cho người khác.
Về sự khác nhau: hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận, thể hiện ý chí giữa người cho và người được tặng nói chung là ý chí của song phương, họ phải còn sống tại thời điểm cho nhận tài sản. Giữa di chúc và cả di tặng có một điểm giống nhau nữa là, di chúc và di tặng chỉ phát sinh trên cơ sở ý chí định đoạt đơn phương của người lập di chúc và đặc biệt là người được di chúc, cũng như di tặng chỉ được nhận tài sản khi người lập di chúc, di tặng chết, nếu còn sống thì vẫn chưa được nhận.
Tuy nhiên, giữa di chúc và di tặng có một điểm khác nhau được quy định tại khoản 3 Điều 646 là: người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, còn di chúc phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.