Theo đó, Thông tư liên tịch số 01/2018 sẽ điều chỉnh mối quan hệ phối hợp giữa Cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân với cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam trong việc thi hành tạm giữ, tạm giam.
Cụ thể, Thông tư này sẽ được áp dụng đối với các đối tượng như sau:
- Cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam;
- Cơ quan điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc Cơ quan điều tra;
- Cơ quan, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Viện kiểm sát, người có thẩm quyền thuộc Viện kiểm sát có thẩm quyền tiến hành tố tụng và Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam;
- Tòa án, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc Tòa án;
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam;
Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch quy định cụ thể việc phối hợp trong giao nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam; Việc bố trí giam giữ để bảo đảm yêu cầu điều tra; giải quyết cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thăm gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự, tổ chức nhân đạo; quản lý người bị tạm giam khi trích xuất phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, khám chữa bệnh, giám định pháp y; giải quyết các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam trốn, chết hoặc phối hợp trong quá trình trực tiếp kiểm sát tại các cơ sở giam giữ của Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, v.v…
Việc phối hợp phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; phải dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật; đảm bảo chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, tạo điều kiện hỗ trợ nhau thực hiện tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, việc phối hợp phải bảo đảm chế độ mật thông tin theo quy định của pháp luật.
Thông tư liên tịch số 01/2018 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 12/3/2018./.