Trên cơ sở kế thừa quy định về thủ tục rút gọn của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2003, BLTTHS năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 đã dành một chương riêng quy định về thủ tục rút gọn. Mặt khác, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác điều tra, truy tố, xét xử và đấu tranh phòng, chống tội phạm; Các quy định về phạm vi, điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, v.v… được ghi nhận từ Điều 455 đến Điều 465, chương XXXI của BLTTHS năm 2015 đã có những điểm sửa đổi, bổ sung nhất định.
Dưới đây là bảng so sánh những điểm khác biệt cơ bản giữa quy định của BLTTHS năm 2003 với BLTTHS năm 2015 về thủ tục rút gọn:
Tiêu chí | BLTTHS năm 2003 | BLTTHS năm 2015 |
Phạm vi áp dụng | Trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm (Điều 318) | Trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm (Điều 455) |
Điều kiện áp dụng | - TTRG trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây (Điều 319): 1. Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang; 2. Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; 3. Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; 4. Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng. - Quy định tùy nghi, khi có đủ các điều kiện trên thì Viện kiểm sát (VKS) có thể áp dụng TTRG. | - TTRG trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây (khoản 1 Điều 456): 1. Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; 2. Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; 3. Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; 4. Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng. - Quy định bắt buộc, khi có đủ các điều kiện trên thì Cơ quan điều tra (CQĐT), VKS, Tòa án phải áp dụng TTRG. - TTRG được áp dụng trong xét xử phúc thẩm khi có một trong các điều kiện sau đây (khoản 2 Điều 456): + Vụ án đã được áp dụng TTRG trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo; + Vụ án chưa được áp dụng TTRG trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 456 và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo. |
Thẩm quyền áp dụng | Chỉ có Viện kiểm sát (khoản 1 Điều 320) | Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án (khoản 1 Điều 457) |
Thời điểm áp dụng | Áp dụng sau khi khởi tố vụ án (khoản 1 Điều 320) | Áp dụng trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi có đủ các điều kiện áp dụng TTRG quy định tại Điều 456 BLTTHS (khoản 1 Điều 457) |
Việc hủy bỏ việc áp dụng TTRG | - Thẩm quyền: Viện kiểm sát - Căn cứ: Trong trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều 323, thì VKS phải ra quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng TTRG và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung (khoản 2 Điều 323) | - Thẩm quyền: CQĐT, VKS, Tòa án - Căn cứ: Trong quá trình áp dụng TTRG, nếu một trong các điều kiện quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 456 của Bộ luật này không còn hoặc vụ án thuộc trường hợp tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định của Bộ luật này thì CQĐT, VKS, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng TTRG và giải quyết vụ án theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này (Điều 458) |
Thời hạn điều tra | 12 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án | 20 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án |
Thời hạn truy tố | 04 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án | 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định đề nghị truy tố và hồ sơ vụ án |
Quyết định truy tố | Trong thời hạn truy tố, VKS ra một trong các quyết định sau đây (Điều 323): 1) Truy tố bị can trước Tòa án bằng quyết định truy tố; 2) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; 3) Tạm đình chỉ vụ án; 4) Đình chỉ vụ án. | Trong thời hạn truy tố, VKS ra một trong các quyết định sau đây (Điều 461): 1) Truy tố bị can trước Tòa án bằng quyết định truy tố; 2) Không truy tố bị can và ra quyết định đình chỉ vụ án. 3) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; 4) Tạm đình chỉ vụ án; 5) Đình chỉ vụ án; |
Thời hạn tạm giam | - Thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố không quá 16 ngày (khoản 3 Điều 322) - Thời hạn tạm giam để xét xử sơ thẩm không quá 14 ngày (khoản 4 Điều 324) | - Thời hạn tạm giam để điều tra không quá 20 ngày - Thời hạn tạm giam để truy tố không quá 05 ngày Thời hạn tạm giam để xét xử sơ thẩm không quá 17 ngày - Thời hạn tạm giam để xét xử phúc thẩm không quá 22 ngày (khoản 3 Điều 459) |
Chuẩn bị xét xử sơ thẩm | - Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định sau đây (khoản 1 Điều 324): a) Đưa vụ án ra xét xử; b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; c) Tạm đình chỉ vụ án; d) Đình chỉ vụ án. | - Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định sau đây (khoản 1 Điều 462): a) Đưa vụ án ra xét xử; b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; c) Tạm đình chỉ vụ án; d) Đình chỉ vụ án. |
Phiên tòa xét xử sơ thẩm | Tiến hành theo thủ tục chung (khoản 2 Điều 324). | Phiên tóa xét xử sơ thẩm theo TTRG do 01 Thẩm phán tiến hành. Sau phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Kiểm sát viên công bố quyết định truy tố. Các trình tự, thủ tục khác tại phiên tòa xét xử sơ thẩm được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này nhưng không tiến hành nghị án (Điều 463) |
Chuẩn bị xét xử phúc thẩm | Không áp dụng | Điều 464 quy định: 1. Việc nhận và thụ lý hồ sơ vụ án được Tòa án cấp phúc thẩm thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án phải chuyển ngay hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án. 2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công xét xử ra một trong các quyết định: a) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm; b) Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án. 3. Trường hợp quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án. 4. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; giao cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ. |
Phiên tòa xét xử phúc thẩm | Không áp dụng | Điều 465 quy định: 1. Việc xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành. 2. Các trình tự, thủ tục khác tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này nhưng không tiến hành nghị án. |