Tham dự Hội thảo có các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; các đồng chí thành viên Hội đồng khoa học VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát quân sự Trung ương; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao; các VKSND cấp cao; VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện một số Bộ, ngành Trung ương như: Bộ Công an, TAND tối cao…; đại diện Ban Chủ nhiệm các đề tài, đề án triển khai năm 2022, 2023 cùng tập thể lãnh đạo, công chức thuộc Vụ 14, VKSND tối cao….
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng uỷ, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, Chủ tịch Hội đồng khoa học VKSND tối cao phát biểu tại Hội thảo. |
Cùng với đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định rõ 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có nhóm nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể về đẩy mạnh cải cách tư pháp trong giai đoạn mới. Nghị quyết chỉ ra định hướng nhiệm vụ tổng quát là: Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, Chủ tịch Hội đồng khoa học VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho rằng, để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết, đòi hỏi các cấp Kiểm sát, các nhà khoa học phải suy nghĩ nhiều hơn và hành động nhiều hơn. Việc nghiên cứu cần mang tính tổng thể, toàn diện, hệ thống, tiếp cận đa chiều, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, tổng kết những kết quả đạt được, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được giải quyết, cung cấp những luận cứ mới cho việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, trong đó có cải cách VKSND.
Với ý nghĩa đó, đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, Chủ tịch Hội đồng khoa học VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến khẳng định, việc tổ chức Hội thảo nhằm kịp thời thông tin, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học năm 2022; triển khai thực hiện các quy định mới của pháp luật về khoa học và công nghệ; tiếp tục tăng cường hiệu quả nghiên cứu khoa học trong thời gian tới đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Để Hội thảo đạt hiệu quả, đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung như: Báo cáo, đánh giá kết quả nghiên cứu, thực hiện đề tài, đề án năm 2022; trao đổi, thảo luận về những khó khăn, bất cập trong quá trình nghiên cứu, triển khai xây dựng đề tài, đề án và trong công tác quản lý khoa học của ngành KSND; chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai nghiên cứu, xây dựng đề tài, đề án. Đồng thời, đề xuất giải pháp tăng cường công tác nghiên cứu, quản lý khoa học trong ngành KSND.
Tại Hội thảo, đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14), VKSND tối cao đã báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học năm 2022; việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học năm 2023 và một số định hướng cơ bản nghiên cứu khoa học năm 2024 của ngành KSND.
Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ 14, VKSND tối cao trình bày báo cáo tại Hội thảo. |
Theo báo cáo, việc triển khai thực hiện các đề tài khoa học, đề án hoàn thành năm 2022 bảo đảm tốt cả về tiến độ và chất lượng nghiên cứu. Cụ thể, về tiến độ nghiên cứu, 35/35 đề tài, đề án bảo đảm tốt tiến độ được giao thực hiện, đạt tỉ lệ 100%.
Về chất lượng nghiên cứu, qua quản lý, theo dõi kết quả thực hiện các đề tài khoa học, đề án cho thấy 100% các đề tài, đề án đều bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu nghiên cứu, coi trọng khảo sát, tổng kết thực tiễn và có sản phẩm ứng dụng cụ thể có tính khả thi, thực tiễn cao. Nhiều đề tài khoa học, đề án đề xuất nhiều hơn 1 sản phẩm ứng dụng, thậm chí 3-4 sản phẩm ứng dụng; nhiều sản phẩm được ứng dụng kịp thời trong thực tiễn ngay trong quá trình thực hiện đề tài. Theo đó, tỉ lệ các đề tài, đề án được đánh giá, xếp loại ở mức xuất sắc chiếm tỉ lệ cao (71,4%) so với những năm gần đây. Đặc biệt, tỉ lệ xuất sắc rất cao của các nhiệm vụ nghiên cứu được thực hiện dưới hình thức đề án (90%), trong đó, đặc biệt tỉ lệ xuất sắc của các đề án đột xuất là 100%.
Về cách thức tổ chức nghiên cứu, nhìn chung, các đơn vị chủ trì nghiên cứu và Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học, đề án đã có sự phối, kết hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu. Nhiều đơn vị đã có những sáng tạo trong phối hợp tổ chức hoạt động nghiên cứu. Một số đơn vị, nhất là các VKSND cấp tỉnh đã có phương pháp nghiên cứu khoa học rất bài bản, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch khảo sát thực tiễn công phu, nghiêm túc.
Các điểm cầu tại Hội thảo. |
Cũng tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo Cục Kế hoạch - Tài chính (Cục 3), VKSND tối cao đã thông tin những nội dung mới của Thông tư 03/2023/TT-BTC ngày 10/1/2023 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Hội thảo cũng nghe các đơn vị, Viện kiểm sát địa phương phát biểu nêu rõ những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc trong triển khai nghiên cứu đề tài, đề án và đề xuất, kiến nghị.
Vụ trưởng Vụ 8, VKSND tối cao Lương Minh Thống phát biểu. |
Đồng thời, nghe đại diện lãnh đạo Vụ 14, VKSND tối cao và một số đơn vị liên quan trả lời, giải đáp những khó khăn, vướng mắc về việc triển khai nghiên cứu, nghiệm thu, đánh giá kết quả nghiên cứu đề tài, đề án; việc ký kết, thanh lý hợp đồng, tạm ứng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện đề tài, đề án; liên quan đến chế độ chi, việc sử dụng kinh phí thực hiện đề tài, đề án…