Đồng chí Lê Minh Trí, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng uỷ, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Nguyễn Hải Trâm, Nguyễn Duy Giảng, Nguyễn Quang Dũng; các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; các đồng chí lãnh đạo và toàn thể công chức, viên chức các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, cấp huyện…
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến toàn Ngành; kết nối từ điểm cầu chính tại Trụ sở VKSND tối cao với các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và VKSND cấp huyện.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã giới thiệu chuyên đề về hoàn cảnh ra đời, quá trình xây dựng, biên tập, những nội dung cơ bản của Cuốn sách; một số yêu cầu, nhiệm vụ của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới.
Đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương giới thiệu chuyên đề hoàn cảnh ra đời, quá trình xây dựng, biên tập những nội dung cơ bản của Cuốn sách. |
Đồng chí Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, Cuốn sách với 612 trang, khoảng 100 hình ảnh minh họa, được trình bày theo phong cách báo chí, hiện đại. Cuốn sách được ra mắt vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023) và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (2013 - 2023).
Cuốn sách mang ý nghĩa hết sức sâu sắc trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay đang được Đảng ta chỉ đạo ráo riết, quyết liệt. Cuốn sách có khối lượng tri thức lớn, tổng kết lý luận và thực tiễn tổ chức cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta. Cuốn sách được trình bày theo phong cách báo chí hiện đại để gần gũi hơn với đông đảo bạn đọc, góp phần lan tỏa sâu, rộng tinh thần, thái độ kiên quyết, rõ ràng, dứt khoát của Đảng, Nhà nước và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nội dung Cuốn sách thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của Tổng Bí thư, được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động về các vấn đề xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phát triển đất nước. Xuyên suốt Cuốn sách là tư tưởng nhất quán, kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gợi mở, định hướng và tham góp nhiều giải pháp có giá trị quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững, quán triệt và tổ chức thực hiện sâu rộng, hiệu quả, xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Cuốn sách được chia thành 3 phần. Phần thứ nhất "Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam" gồm bài viết tổng quan "Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!" của Tổng Bí thư đánh giá lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (năm 2013) đến nay; 4 phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng các năm 2014, 2018, 2020, 2022; và kết luận tại 36 phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo.
Phần thứ hai với chủ đề "Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc" tuyển chọn 22 bài viết tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên - công tác luôn được Tổng Bí thư dành sự quan tâm đặc biệt dù ở trên cương vị công tác nào, ở thời kỳ nào.
Phần thứ ba "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" tập hợp, chọn lọc 62 ý kiến đánh giá của các tầng lớp nhân dân, 10 ý kiến của đại biểu Quốc hội và 24 ý kiến của các chính khách, học giả, bạn bè quốc tế, thể hiện sự ghi nhận, ủng hộ, niềm tin tưởng sâu sắc của người dân thuộc mọi tầng lớp, ở mọi vùng miền, lãnh thổ đối với cuộc chiến chống "giặc nội xâm" được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tiếp đó, Hội nghị đã nghe Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14), VKSND tối cao Hoàng Thị Quỳnh Chi giới thiệu chuyên đề: “Quán triệt, vận dụng tư tưởng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và thực hiện quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát”.
Vụ trưởng Vụ 14, VKSND tối cao Hoàng Thị Quỳnh Chi giới thiệu chuyên đề tại Hội nghị. |
Theo đó, ngày 7/2/2023, Viện trưởng VKSND tối cao ký Quyết định số 21/QĐ-VKSTC ban hành Quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát.
Quy tắc gồm Lời nói đầu, 3 chương và 10 điều. Quy tắc quy định những tiêu chí về chuẩn mực đạo đức của người cán bộ Kiểm sát theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn”; điều chỉnh thái độ, hành vi, cách ứng xử, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ Kiểm sát khi thi hành công vụ.
Trong đó, Quy tắc đã nêu rõ những yêu cầu chung đối với người cán bộ Kiểm sát, một trong những yêu cầu đó là người Kiểm sát viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không né tránh trách nhiệm, dũng cảm đấu tranh với vi phạm, tội phạm và với những hành vi tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, lẽ phải và sự công bằng.
Hội nghị cũng đã nghe đồng chí Hồ Đức Anh, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), VKSND tối cao báo cáo chuyên đề: “Quán triệt, vận dụng tư tưởng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ của ngành KSND”.
Đồng chí Hồ Đức Anh, Vụ trưởng Vụ 3, VKSND tối cao báo cáo chuyên đề tại Hội nghị. |
Đồng chí Nguyễn Đức Thái, Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5), VKSND tối cao báo cáo chuyên đề: “Quán triệt, vận dụng tư tưởng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phối hợp trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Đồng chí Nguyễn Đức Thái, Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ 5, VKSND tối cao báo cáo chuyên đề tại Hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao thay mặt Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao cảm ơn đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã đến truyền đạt các nội dung cơ bản, tư tưởng cốt lõi trong Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trách nhiệm, tình cảm và sự tâm huyết; đồng thời, đánh giá cao chất lượng 4 chuyên đề được báo cáo tại Hội nghị cũng như tinh thần nghiêm túc lắng nghe của đội ngũ lãnh đạo và toàn thể công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trong ngành KSND.
Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị. |
Nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của Hội nghị, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, việc tổ chức Hội nghị nhằm giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của ngành KSND nắm vững nội dung cốt lõi của Cuốn sách; thống nhất nhận thức về tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong Cuốn sách; làm sáng rõ quan điểm, chủ trương của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, vận dụng linh hoạt, hiệu quả trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành KSND, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí yêu cầu, sau Hội nghị, VKSND các cấp tiếp tục tổ chức cho cán bộ, đảng viên đọc, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nội dung Cuốn sách; đưa vào nội dung sinh hoạt chi bộ; liên hệ với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của địa phương, cơ quan, đơn vị. Công tác nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền cuốn sách phải gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Cần vận dụng đúng đắn, phù hợp các bài học kinh nghiệm được đúc rút từ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nêu trong Cuốn sách này.
Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí lưu ý, sau Hội nghị, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao xây dựng chương trình triển khai thực hiện và vận dụng các nội dung chỉ đạo trong Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Viện trưởng VKSND các cấp tiếp tục xây dựng kế hoạch xác định các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quan điểm chỉ đạo trong Cuốn sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tế của cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế; tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ không nghỉ, không ngừng; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND.
“Hiểu về nội dung, ý nghĩa, tư tưởng cốt lõi, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Cuốn sách sẽ giúp chúng ta càng thêm niềm tin yêu Lãnh tụ, đồng thời có thêm động lực, bản lĩnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, đáp ứng các yêu cầu: ‘Pháp luật - Chính trị - Nghiệp vụ’ của ngành KSND” - Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí chia sẻ.