Chỉ thị nêu rõ, năm 2023, với phương châm công tác: “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả”, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu toàn ngành Kiểm sát tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, đạt và vượt các chỉ tiêu công tác của Quốc hội giao với mục tiêu: “Tiếp tục giữ vững kỷ luật, kỷ cương, trước hết là từ trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp Kiểm sát; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Viện kiểm sát các cấp nắm vững pháp luật, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; tăng cường trách nhiệm công tố, kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật; thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm; đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và nâng chất hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong toàn Ngành góp phần bảo đảm thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của VKSND trong giai đoạn hiện nay”.
Theo đó, toàn ngành Kiểm sát nhân dân tập trung thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Thủ trưởng đơn vị, người đứng đầu Viện kiểm sát các cấp và tập thể lãnh đạo đơn vị phải tập trung xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết, nêu cao hơn nữa vai trò trách nhiệm nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, gương mẫu trong công việc; phân công và sử dụng hợp lý, hiệu quả biên chế cán bộ hiện có của từng đơn vị; tăng cường công tác đào tạo và tự đào tạo cán bộ thông qua phân công giao việc theo hướng “chọn người theo yêu cầu công việc”; đánh giá đúng khả năng công tác của mỗi cán bộ để sắp xếp, phân công, chuyển đổi vị trí công tác nhằm đào tạo, phát huy sở trường của từng cán bộ và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời bảo vệ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra trong đơn vị, xử lý nghiêm những vi phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Những đơn vị nào lãnh đạo chủ động phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm thì căn cứ tính chất mức độ, hậu quả của vi phạm được ngăn chặn, khắc phục sẽ không đánh giá vào thành tích thi đua của đơn vị. Nếu thông qua kiểm tra, thanh tra của cấp trên phát hiện vi phạm và xử lý thì sẽ xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm người phụ trách, người đứng đầu đơn vị đó.
2. Toàn ngành Kiểm sát tiếp tục xác định chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn đầu thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; chủ động đề ra các biện pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa; thực hiện nghiêm các nguyên tắc của pháp luật hình sự, trong đó chú trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, kịp thời chuyển hóa chứng cứ chứng minh tội phạm trong giải quyết các vụ án hình sự. Viện kiểm sát các cấp chủ động phối hợp, tập trung rà soát giải quyết dứt điểm đối với các vụ án, tin báo tạm đình chỉ còn tồn đọng; tập trung triển khai nghiêm túc, có hiệu quả quy định của Bộ luật tố tụng hình sự trong công tác kiểm sát việc tiếp nhận, kiểm tra xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã.
3. Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; tham mưu chỉ đạo tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề dư luận xã hội bức xúc, những vấn đề nổi cộm; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong xử lý tội phạm tham nhũng, nghiêm trị kẻ chủ mưu, cầm đầu; khoan hồng với những người ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại. Quyết liệt hơn trong áp dụng các biện pháp nhằm thu hồi tài sản Nhà nước bị thiệt hại, thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài; thực hiện tốt vai trò cơ quan Trung ương trong tương trợ tư pháp về hình sự; chủ động, tích cực trao đổi, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và trao đổi kinh nghiệm với Viện kiểm sát, cơ quan công tố các nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
4. Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp tập trung hơn nữa trong công tác chỉ đạo, chủ động đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định pháp luật. Phân công, bố trí, sắp xếp, đào tạo những cán bộ có kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ; có chính sách cán bộ phù hợp nhằm động viên, khích lệ cán bộ yên tâm công tác; chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại của đơn vị trong khâu công tác này đảm bảo có chuyển biến tích cực và đạt chỉ tiêu công tác của Quốc hội giao.
5. Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao chủ động đánh giá chất lượng công tác và rà soát lại đội ngũ Điều tra viên để sắp xếp, kiện toàn, bố trí cán bộ, phân công công việc và có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ Điều tra viên đáp ứng yêu cầu và tính chất, nhiệm vụ được giao; góp phần chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan tư pháp; cảnh tỉnh, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật nhằm xây dựng hệ thống tư pháp liêm chính, nghiêm minh. Trong năm 2023, Cơ quan điều tra phải khắc phục dứt điểm những tồn tại, hạn chế đã kéo dài nhiều năm; phối hợp với Văn phòng VKSND tối cao để xây dựng đội ngũ Giám định viên của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự bảo đảm đủ số lượng và chất lượng nhằm phục vụ có hiệu quả công tác của Cơ quan điều tra.
6. Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14) chủ trì tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử; tổng kết thực tiễn, nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về khởi kiện dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự có liên quan đến lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương nhưng không có người đứng ra bảo vệ theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Phối hợp với TAND các cấp và các cơ quan có liên quan bảo đảm thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật. Viện kiểm sát cấp trên, trong đó 3 VKSND cấp cao thực hiện tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ và trả lời thỉnh thị nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc của Viện kiểm sát cấp dưới.
7. Toàn ngành Kiểm sát nhân dân xác định năm 2023 là năm đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Ngành. Yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trong toàn Ngành rà soát, đánh giá đúng thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị, đề xuất và kiến nghị những yêu cầu đối với nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm tốt nhất cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, công tác số hóa và lưu trữ hồ sơ, công tác trợ lý ảo trong cung cấp thông tin, các phần mềm quản lý các lĩnh vực công tác và phấn đấu ứng dụng phòng họp không giấy. Giao Cục thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục 2) chủ trì xây dựng Kế hoạch đề ra lộ trình cụ thể, phân kỳ nhiệm vụ theo từng năm.
Người đứng đầu các cấp kiểm sát, Thủ trưởng các đơn vị dự toán trực thuộc VKSND tối cao phải tập trung chỉ đạo và phải chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính, tài sản công và đầu tư xây dựng cơ bản của đơn vị bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật.
Ngoài ra, Chỉ thị còn nêu rõ: Căn cứ vào Chỉ thị này yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp xây dựng kế hoạch công tác của đơn vị để triển khai thực hiện; đồng thời chủ động đề ra yêu cầu trong quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với các lĩnh vực công tác khác của Ngành, đảm bảo hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu công tác của Quốc hội, của Ngành giao.
Xem toàn văn Chỉ thị tại đây: /files/images/news/2022_12/chi-thi.pdf
Xem toàn văn Chỉ thị tại đây: /files/images/news/2022_12/chi-thi.pdf