Ngày giỗ tổ Hùng Vương còn gọi là "Lễ hội Đền Hùng" được tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng Ba (Âm lịch) tại Đền Hùng, Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là lễ hội truyền thống của dân tộc, tưởng nhớ đến công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước. Hàng năm, vào ngày này, người dân Việt Nam dù đang ở đâu cũng hướng về cội nguồn dân tộc.
Theo truyền thuyết, Kinh Dương Vương sinh một con trai, sau nối ngôi vua cha niên hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra một trăm người con là tổ tiên của người Bách Việt. Một hôm vua Lạc Long Quân bảo bà Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Vì vậy, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha về miền biển. Lạc Long Quân phong cho con trưởng Hùng Vương nối ngôi, làm vua. Trải qua 18 đời, Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán - An Dương Vương.
Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chọn ngày 11 - 12/3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên.
Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL-CTN ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.
Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa Thông tin - Thể thao phối hợp với các ngành chức năng tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 Âm lịch).
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước. Ngày 6/12/2012, UNESCO chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kể từ năm 2007, giỗ tổ Hùng Vương được công nhận là Quốc lễ. Từ đó, ngày này có ý nghĩa đặc biệt hơn với con dân người Việt Nam.