Ở nước ta và trên thế giới đã có biết bao lời nói tốt đẹp về Bác, có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về thân thế và sự nghiệp của Người. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh rất phong phú bao quát nhiều lĩnh vực. Đó là đạo đức của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, nêu tấm gương suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người,…
Chúng ta càng thấy rõ nét, càng thấm thía về tính chất vĩ đại đó trong tấm gương đạo đức của Người, qua biết bao những mẫu chuyện trong đời sống hàng ngày, trong con người của Hồ Chủ Tịch, thể hiện những đạo đức và tác phong cao thượng của một vị lãnh tụ với những đức tính giản dị, khiêm tốn, trung thực, chân thành, một tấm lòng nhân ái, thương người, kính trọng nhân dân và hết mực vì con người của Bác,… Đó cũng là lý do vì sao, mỗi thế hệ hôm nay và mai sau đều đã và sẽ nhận thức sâu sắc rằng, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người là niềm tự hào to lớn, đồng thời cũng là con đường đúng đắn để tự hoàn thiện bản thân, không ngừng phấn đấu vươn lên.
Trong phạm vi bài viết này, xin được phép kể vài mẫu chuyện về Bác mà bản thân được đọc và cảm nhận sâu sắc, thể hiện sâu sắc những đức tính khiêm tốn, giản dị, tấm lòng nhân ái, nhân hậu, thương người, thương dân của Bác.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác với biết bao sự kiện để lại dấu ấn, tiếng thơm vang khắp năm châu; và ở Việt Nam, Bác Hồ là người lãnh đạo tối cao được toàn dân tộc kính yêu; vậy mà đời sống hằng ngày của Bác thì vô cùng giản dị và rất mực khiêm tốn, càng giản dị, khiêm tốn, Bác Hồ của chúng ta càng vĩ đại!
Ở nước ta và trên thế giới đã quá quen thuộc với hình ảnh bộ kaki mòn, đôi dép lốp, căn nhà sàn gỗ của Bác; ngay cả trong bữa ăn hằng ngày của Người thường chỉ có vài ba món rất giản đơn, khi ăn không để rơi vãi một hột cơm, ăn xong cái bát nào cũng sạch, sắp xếp gọn gàng, thức ăn còn lại được để tươm tất,…với những việc làm nhỏ đó chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao thành quả lao động của người nông dân và kính trọng người phục vụ, ngay cả trong bữa ăn Bác dạy cũng phải có “đạo đức”, quý trọng công sức người lao động, chớ nên phung phí, xa hoa, lãng phí của công, đua đòi hưởng lợi mà phải luôn thực hành tiết kiệm, có lối sống lành mạnh xem đó là đức tính tốt đẹp của mỗi con người.
Nói về tấm lòng nhân ái, nhân hậu, thương người, kính trọng nhân dân, hết mực vì con người của Bác, những đức tính đó thể hiện sâu sắc mọi lời nói, từng việc làm trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Từ bài báo LeParia đầu tiên đã nói đến giải phóng con người, đến bản Di chúc đầu tiên Bác cũng nói về vấn đề con người, Bác nói: “Tôi có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thắng lợi, nước ta trãi qua nạn đói khủng khiếp, Bác chủ trương tăng gia sản xuất, mỗi tháng người nhịn ăn ba lần để cứu đói, và Bác cũng đóng góp lon gạo của mình như mọi người dân. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhiều nhân sĩ trí thức cao tuổi theo Bác lên Việt Bắc kháng chiến, đèo cao, suối sâu, đường lầy lội, nhiều vị phải nằm cáng, anh em phục vụ mời Bác lên cáng, Bác gạt đi: “Bác còn khỏe, còn đi được, các chú có nhiệm vụ đưa Bác đi như thế này là tốt lắm rồi”. Năm 1950, Bác Hồ đi chiến dịch biên giới, chuyến đi dài ngày, gian khó, anh em cảnh vệ mời Bác đi ngựa, Bác cười và nói: “Chúng ta có 7 người, ngựa chỉ có một con, Bác cưỡi sao tiện?” Anh em khẩn khoản: “Chúng cháu còn trẻ, Bác cao tuổi, đường xa, việc nhiều…”. Không nỡ từ chối, Bác trả lời: “Thôi được, các chú mang ngựa theo để nó đỡ hộ balô, gạo nước và thức ăn, tiện đường đi, ai mệt sẽ cưỡi, Bác mệt Bác cũng sẽ cưỡi”. Cuối năm 1961, Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một xã có phong trào trồng cây tốt, Bác đứng nói chuyện với nhân dân trong xã, thấy Bác đứng giữa nắng trưa ai cũng lo lắng, đồng chí Chủ tịch huyện tìm cái ô che nắng cho Bác, Bác quay lại: “Thế chú có đủ ô che cho tất cả đồng bào không? Thôi, cất đi, Bác có phải là vua đâu?”. Một lần trong bữa ăn, đồng chí phục vụ dọn cho Bác đĩa cá anh vũ, một loại cá quý hiếm. Thấy vậy, Bác khen và bảo: “Cá ngon quá, thế mà chú Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng) lại đi vắng, thôi để đến chiều đồng chí Tô về cùng thưởng thức…”. Miếng ngon không bao giờ Bác chịu ăn một mình, chia ngọt sẻ bùi là thế. Như Bác từng nói: ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì Bác đâu chấp nhận.
Những mẫu chuyện trên thể hiện những tư tưởng, tình cảm vô bờ bến của Bác. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như trong đời sống hằng ngày, Bác đối xử với mọi người luôn luôn có lý, có tình, với muôn vàng tình yêu thương với đồng bào, đồng chí. Trong tình yêu thương đó, luôn có chỗ cho tất cả chúng ta, không sót một ai! Đó là tấm gương tuyệt đẹp về đạo đức mà chúng ta mãi mãi học tập và noi theo.
Để học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức của Bác mỗi chúng ta nguyện cố gắng và rèn luyện, học tập để thấm nhuần tư tưởng đạo đức của Người. , đặc biệt là “Trung với nước, hiếu với dân”, “Cần, kiệm, liêm chính,chí công vô tư”; mỗi cán bộ Ngành kiểm sát nguyện luôn nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện tốt lời dạy của Bác: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Kết thúc bài viết xin được trích dẫn lời của một ký giả nước ngoài về học tập tấm gương đạo đức của Người, nói rằng: “Người ta không thể trở thành một Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ mỗi người có thể học một số điều gì làm cho mình trở thành tốt hơn” (Trích sách: “Học tập đạo đức Hồ Chí Minh” NXB Chính trị Quốc gia trang 309). Như vậy, trên thế giới đã có nhiều người học tập về Bác Hồ, là người Việt Nam chúng ta phải càng tự hào, càng phấn đấu nhiều hơn nữa, đây cũng là cách để mỗi chúng ta thể hiện tấm lòng kính trọng biết ơn Người, để tự hoàn thiện bản thân, đối với cán bộ Ngành kiểm sát phải luôn phấn đấu, vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Ngành mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao phó./.