Hôm nay được sống trong một đất nước hòa bình độc lập, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Càng khiến mỗi người trong chúng ta ngược dòng thời gian tìm hiểu, tái hiện lại lịch sử nước nhà, để cảm nhận được giá trị bình yên thực sự, giá trị đánh đổi rất lớn của đồng bào ta và công lao của các Vua Hùng dựng nước.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương cũng được xem là ngày Quốc lễ, ngày lễ lớn của dân tộc, ngày lễ không những có ý nghĩa về chính trị, về văn hoá, mà có ý nghĩa xã hội rất quan trọng. Mùng mười tháng ba hàng năm là ngày đồng bào cả nước đều hướng về cội nguồn. Và xem đó là ngày lễ trọng đại, gắn liền với bản sắc dân tộc Việt, là biểu tượng là tinh thần, là tất cả sự hội tụ về sức mạnh tinh thần đoàn kết về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Những nét đẹp ấy không chỉ giới hạn trong nước mà còn lan tỏa và lưu giữ kể cả người Việt ở nước ngoài, không có bất kỳ sự phân biệt nào về dân tộc, tôn giáo, hay chính trị đều hướng về cội nguồn gốc rễ.
Truyền thống tốt đẹp ấy được hình thành như một nét đẹp trong tâm linh người Việt được truyền từ đời này sang đời khác. Tự hào đồng bào ta xưa nay luôn sống với quan niệm “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn”. Đền thờ vua Hùng đã được lập ở nhiều địa phương như một hoạt động văn hóa tâm linh đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Ngày để tưởng nhớ các vị vua Hùng đã có công dựng nước, củng cố thêm niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, chỉ có đoàn kết mới phát huy được sức mạnh.
Hướng về cội nguồn thông qua ngày giỗ tổ Hùng Vương được xem là nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt cần mãi được trường tồn. Qua đó tiếp tục góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử nước nhà, tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc. Truyền thống uống nước nhớ nguồn, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc sẽ mãi như ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng mỗi người dân Việt. Để mãi vang vang đâu đó trong tâm tưởng của người dân Việt trong nước lẫn ngoài nước ngày quốc lễ để hướng về: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”./.