Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là một ngày lễ của Việt Nam. Đây là ngày hội truyền thống của dân tộc Kinh tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới kỷ niệm.
Đền Hùng là tên gọi khái quát của Khu di tích lịch sử Đền Hùng - quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh, gắn với Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức tại địa điểm đó hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Hiện nay, theo các tài liệu khoa học đã công bố đa số đều thống nhất nền móng kiến trúc đền Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng trị vì. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15) được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện tại.
Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng đông bắc Việt Nam. Phía bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Yên Bái, phía đông giáp tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội, phía tây giáp tỉnh Sơn La, phía nam giáp tỉnh Hòa Bình. Phú Thọ là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội.
Thành phố Việt Trì là trung tâm hành chính, kinh tế chính trị văn hoá giáo dục của tỉnh, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 80 km và sân bay quốc tế Nội Bài 50 km về phía tây bắc. Thành phố Việt Trì nằm đối diện với huyện Ba Vì, Hà Nội qua sông Hồng.
Theo Ngọc phả Hùng Vương chép thời Hồng Đức hậu Lê thì từ thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền, ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của Đấng Thánh Tổ xưa. Ngày giỗ Hùng Vương đã được các triều đại phong kiến công nhận là một trong những ngày quốc lễ của Việt Nam. Từ thời xưa, các triều đại quân chủ và phong kiến Việt Nam đã quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch; đổi lại dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và sung vào lính.
Sang thế kỷ 20, năm 1917 triều vua Khải Định, Bộ Lễ chính thức gửi công văn ghi ngày 25 tháng 7 phái quan hàng tỉnh của tỉnh Phú Thọ lấy ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch thì cử hành "quốc tế" hàng năm, tức là sức cho các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế.
Ngày 10 tháng 3 âm lịch từ đó được dùng cho toàn quốc. Sau khi nền cộng hòa thành lập, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh, xem ngày 10 tháng 3 là một trong những ngày lễ chính thức của quốc gia, các công chức được nghỉ lễ có hường lương. Trong lễ Giỗ Tổ năm Bính Tuất (ngày 11 tháng 4 năm 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Việt Nam học xá (nay là khu vực Trường Đại học bách khoa Hà Nội). Cũng trong ngày này, thừa ủy quyền Chủ tịch Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng, đã dâng 1 tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và 1 thanh gươm quý nhằm tế cáo với Tổ tiên về đất nước đang bị Pháp xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Chế độ Việt Nam Cộng hòa cũng ghi nhận ngày 10 tháng 3 là ngày nghỉ lễ chính thức cho đến năm 1975.
Sau khi Việt Nam thống nhất, chính quyền vẫn xem ngày 10 tháng 3 là một ngày lễ kỷ niệm nhưng không chính thức trở thành ngày nghỉ lễ quốc gia. Mãi đến năm 2007, ngày 10 tháng 3 mới chính thức được quy định là ngày lễ quốc gia, mọi người đều được nghỉ lễ.
UNESCO đã công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng" là "kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại".
Trong dân gian Việt Nam có câu lục bát lưu truyền từ xa xưa:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Dù ai buôn bán gần xa
Nhớ ngày giỗ tổ tháng ba mùng mười
* Các hoạt động văn hóa mùng 10 tháng 3 năm 2019
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng, những ngày này tại tỉnh Phú Thọ sẽ diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, đậm đà bản sắc dân tộc. Nội dung các hoạt động:
Phần Lễ gồm: Lễ Giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 06/3 âm lịch.
Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày 10/3 âm lịch.
Lễ dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong”
Lễ dâng hương của các huyện, thành, thị về Đền Hùng.
Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức.
Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương và tại các gia đình người dân trên địa bàn tỉnh ngày 10/3 âm lịch
Phần Hội gồm:
Khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm 2019: gồm Lễ hội văn hóa dân gian đường phố; Chương trình nghệ thuât; Bắn pháo hoa.
Hội trại văn hóa của các huyện, thành, thị trong tỉnh và tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh Phú Thọ.
Liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Hát giao lưu tại khu vực Ngã 5 Đền Giếng và Hồ Mai An Tiêm – Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (Nội dung mới).
Trưng bày hiện vật khảo cổ học về sự ra đời, phát triển của Nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Trưng bày hiện vật tại Bảo tàng Hùng Vương – thành phố Việt Trì; Trưng bày sách, báo, tư liệu ảnh tại thư viện tỉnh; Chiếu phim phục vụ nhân dân tại rạp Hòa Phong.
Trưng bày hoa, cây cảnh tại thành phố Việt Trì.
Triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Quê hương, con người Phú Thọ” và một số tác phẩm mỹ thuật của các họa sỹ Việt Nam - Hàn Quốc.
Tổ chức ngày Hội sách Đất Tổ.
Tổ chức đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân tại khu vực nhà Công quán Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
Biểu diễn múa rồi nước tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng.
Trưng bày hoa Phong Lan tại khu di tích Đền Hùng.
Tổ chức trình diễn hát Xoan làng cổ tại thành phố Việt Trì.
Tổ chức các hoạt động hằng đêm tại sân khấu Quảng trường Hùng Vương (Nội dung mới).
Hội chợ Thương mại và giới thiệu sản phẩm các vùng miền năm 2019 tại thành phố Việt Trì.
Hội thi bơi Chải truyền thống trên sông Lô.
Các hoạt động thể dục, thể thao và trò chơi dân gian truyền thống: bóng chuyền nam, cờ tướng, vật dân tộc, đẩy gậy, bắn nỏ.
Khai mạc giải bóng đá phong trào tỉnh Phú Thọ (giải bóng đá hàng năm).
Giải bóng chuyền các đội mạnh cúp Hùng Vương.
Giải Quần vợt truyền thống Cúp Hùng Vương.
Ngoài ra, có nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các tỉnh tham gia góp giỗ; các giải thể thao quần chúng như vật dân tộc, bóng chuyền, bắn nỏ truyền thống; tổ chức trưng bày tư liệu, hiện vật về văn hóa phi vật thể: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tinh hoa cổ vật vùng đất Tổ”...