“Tháng Năm về quê Bác làng Sen
Hoa sen nở tỏa hương thơm ngào ngạt
Lòng cháu thêm xao xuyến bồi hồi!
Làng Sen, nơi Bác đã một thời”
Hoa sen nở tỏa hương thơm ngào ngạt
Lòng cháu thêm xao xuyến bồi hồi!
Làng Sen, nơi Bác đã một thời”
Thực hiện Kế hoạch số 17/KH-VKS ngày 27/3/2024 của VKSND thành phố Cần Thơ về tổ chức hành trình Về nguồn và sinh hoạt Chuyên đề“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”. Chúng tôi thật may mắn và vinh dự khi là một trong số các thành viên tham gia hành trình và sinh hoạt chuyên đề lần này.
Mở đầu hành trình về nguồn đoàn chúng tôi háo hức hướng về xã Kim Liên, huyện Nam Đàn quê Bác. Tại đây chúng tôi được nhìn thấy những hiện vật gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị thuở thiếu thời của Bác, được nghe những câu chuyện đầy cảm xúc về Bác. Từng gốc tre hồn hậu đến bờ hoa dâm bụt thắm đỏ, từng hàng cau vươn mình trong nắng đến những mái lá đơn sơ... tất cả đều thấm hồn dân tộc, đều gợi lên trong sâu thẳm trái tim mỗi thành viên trong đoàn, tất cả tạo nên một niềm tự hào thành kính về một cuộc đời, về một nhân cách giản dị và vĩ đại của Bác.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu du tích lịch sử Kim Liên
Rời quê Bác, đoàn chúng tôi tới thăm di tích lịch sử Truông Bồn tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đây một địa danh đã trở thành huyền thoại vì hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để góp phần viết nên kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tại đây, chúng tôi được biết Truông Bồn trong những năm đánh Mỹ được ví như “tọa độ lửa” có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Ngày ấy, chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ sáng ngày 31/10/1968, Truông Bồn đã phải hứng chịu 3 đợt oanh kích của máy bay Mỹ, 13 trên tổng số 14 chiến sĩ thanh niên xu kích của Tiểu đội 2, Đại đội 317 mãi mãi ra đi ở tuổi đôi mươi. Họ hy sinh khi chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa là đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc. Nhưng vì huyết mạch Truông Bồn, các chị, các anh vẫn cầm súng, cuốc, xẻng để chiến đấu. Với họ, tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc. 13 chiến sĩ - 13 ước mơ tuổi mười tám đôi mươi mãi mãi gác lại. Tấm gương của các thanh niên xu kích ở Truông Bồn xứng đáng với niềm tự hào của cả dân tộc, nhắc nhở mỗi chúng ta phải luôn trân trọng, giữ gìn. Bởi linh hồn bất diệt của các chị, các anh đã hòa cùng khí thiêng sông núi để giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Cùng với khí thế khởi nguồn hành trình đi tìm đường giải phóng dân tộc, trong cái nắng chói chang của miền Trung, đoàn xe chúng tôi tiếp tục lăn bánh đến Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Từ trên xe bước xuống, trước mắt chúng tôi là ngút ngàn cây xanh và mùi thơm hương lúa, Ngã ba Đồng Lộc bây giờ, bình yên với màu xanh của cuộc sống mới. Không ai có thể ngờ nơi đây năm xưa lại có thể là “tọa độ chết” trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam và là bản hùng ca bất diệt của lòng yêu nước và tinh thần bất khuất. Chúng tôi không khỏi xúc động và bồi hồi khi đặt chân tới nơi đây vì tại mảnh đất này, bom chồng lên bom, hố bom chồng lên hố bom, mỗi mét vuông ở đây phải gánh chịu 3 quả bom tấn; không một bóng cây, ngọn cỏ nào có thể mọc nổi. Thế nhưng, những chiến sỹ thanh niên xung phong ở đây rất lạc quan, tin tưởng, họ tin tưởng rằng một ngày kia đất nước sẽ độc lập, sẽ hoàn toàn được giải phóng. Đáng nhớ nhất tại đây có 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17 đến 22 canh giữ giao điểm này đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, tất cả chưa ai lập gia đình.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu mộ 10 nữ anh hung liệt sỹ thanh niên xung phong.
Tiếp theo chặng hành trình đoàn chúng tôi đến thăm Khu tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Đi sâu vào bên trong khu di tích là khu tưởng niệm Nguyễn Du và bảo tàng. Nơi đây lưu giữ hơn 1.000 hiện vật, tư liệu về Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền: các bản Kiều Nôm cổ, nghiên mực, chén uống trà, móc treo mũ áo,...Khu trưng bày sách hiện có hơn 500 ấn phẩm nghiên cứu thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Du. Tại đây còn có thêm 47 bản sưu tập Truyện Kiều bằng chữ Hán và chữ Nôm được số hóa từ bản Truyện Kiều năm 1866. Đặc biệt hơn, đoàn chúng chúng tôi được thưởng thức những đêm thơ Nguyễn Du tại nhà Tư văn trong Khu lưu niệm Nguyễn Du.
Hành trình về nguồn và sinh hoạt Chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” đã để lại trong chúng tôi quá nhiều cảm xúc về những giá trị nhân văn cao cả, về nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu sinh ra lớn lên và khởi nguồn hành trình đi tìm đường giải phóng dân tộc. Về nơi có anh linh của bao thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương. Là lời nhắc nhớ mỗi chúng ta phải luôn ghi nhớ công ơn của những thế hệ đi trước đã hiến dâng đời mình cho non nước tươi đẹp hôm nay. Qua chuyến đi bản thân chúng tôi càng thấy tự hào và hiểu thêm về lịch sử hào hùng, tinh thần quả cảm, không ngại gian khổ, hy sinh của các anh chị thanh niên xung phong thời chống Mỹ. Khi cuộc sống hòa bình đã cận kề, tương lai phía trước đang rộng mở, các anh, các chị vẫn bám trụ với trận địa và ngã xuống trong buổi bình minh. Chính vì những điều đó chúng tôi ý thức được rằng bản thân cần phải không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện để xây dựng quê hương, cố gắng để đóng góp sức lực, trí tuệ, tài năng, nhiệt huyết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ ngành Kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, lãnh đạo đơn vị, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cho các anh em trong đơn vị gắn với thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ chuyên môn. Từ đó, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh./.
Lâm Quốc Minh, Nguyễn Quầy Dược
Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vĩnh Thạnh