Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn mọi người phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phải biết tiết kiệm thời gian, công sức lao động, tiền bạc, phải tiết kiệm từ cái nhỏ đến cái to, không xa hoa, hoang phí hay phô trương hình thức.
Bài học về sự giản dị, tiết kiệm của Người luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ chúng ta học tập và làm theo, nhất là trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang mở rộng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Bác thường nhấn mạnh và đề cao 4 loại tiết kiệm: đó là tiết kiệm tiền, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu, tiết kiệm thời giờ. Cả cuộc đời của Bác Hồ là tấm gương sáng cho những đức tính cao đẹp nói trên. Mỗi việc làm, mỗi suy nghĩ và hiệu quả công việc cách mạng của Bác là một bài học cụ thể, sinh động mà chúng ta không thể nào diễn tả được hết những đức tính cao đẹp này của Người.
Mẫu chuyện dưới đây cũng chính là một trong những tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà chúng ta cần học tập và làm theo để vận dụng một cách linh hoạt, kể cả trong công tác cũng như trong cuộc sống đời thường.
Trước kia, Thông tấn xã Việt Nam hàng ngày đều đưa bản tin lên cho Bác xem. Khi in một mặt, Bác phê bình là lãng phí giấy. Sau đấy, Thông tấn xã in hai mặt bằng rô-nê-ô, nhoè nhoẹt khó đọc hơn nhưng Bác vẫn đọc. Sang năm 1969, sức khoẻ Bác yếu và mắt giảm thị lực, Thông tấn xã lại gửi bản tin in một mặt để Bác đọc cho tiện. Khi xem xong, những tin cần thiết Bác giữ lại, còn Người chuyển bản tin cho Văn phòng Phủ Chủ tịch cắt làm phong bì tiết kiệm hoặc dùng làm giấy viết. Ngày 10-5-1969, Bác đã viết lại toàn bộ đoạn mở đầu bản Di chúc lịch sử bằng mực xanh vào mặt sau tờ tin Tham khảo đặc biệt ra ngày 3-5-1969. Từ giữa năm 1969, sức khoẻ Bác yếu đi nhiều nên Bộ Chính trị đề nghị: Khi bàn những việc quan trọng của Đảng, Nhà nước thì Bác mới chủ trì, còn những việc khác thì cứ bàn rồi báo cáo lại sau, Bác cũng đồng ý như vậy. Tháng 7, Bộ Chính trị họp ra nghị quyết về việc tổ chức 4 ngày lễ lớn của năm: ngày thành lập Đảng, ngày Quốc khánh, ngày sinh Lênin và ngày sinh của Bác. Sau khi Báo Nhân dân đăng tin nghị quyết này, Bác đọc xong liền cho mời mọi người đến để góp ý kiến: “Bác chỉ đồng ý 3/4 nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19-5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm sau. Hiện nay, các cháu thanh thiếu niên đã sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh nhật của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí”.
Ảnh từ Internet
Qua mẫu chuyện, chúng ta thấy được bài học hết sức ý nghĩa và sâu sắc, phù hợp với hoàn cảnh, thực tiễn từng lúc, từng nơi. Từ đó, chúng ta phải sử dụng hợp lý, có hiệu quả tiền của, thời gian, công sức lao động. Tiết kiệm là phải từ cái nhỏ đến cái lớn, không xa xỉ, hoang phí, bừa bãi, phô trương, hình thức, phải biết cân đối và chi tiêu có kế hoạch, có tính toán, nhưng vẫn đạt được hiệu quả đề ra.
Hiện nay, khi mà chúng ta đang thực hiện “ Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thì bản thân chúng ta là đội ngũ cán bộ, công chức phải biết tự nhìn lại mình, phải sống giản dị, chân thật và tiết kiệm, hết lòng hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, không sống hời hợt, sáo rỗng, phải thực hiện được “nói phải đi đôi với làm”. Chúng ta phải tiết kiệm dù đơn giản chỉ là tắt một chiếc quạt, tắt một cái đèn, khóa lại một vòi nước khi không sử dụng; tận dụng sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, một tờ giấy, một cây viết…phải luôn luôn tự nhắc nhở bản thân không nên phung phí vào những việc không cần thiết.