Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hàng tháng, trong các buổi sinh hoạt lệ, Chi bộ đều phân công đảng viên kể một mẫu chuyện kể về Bác để đảng viên chi bộ học tập và làm theo.
Qua các mẫu chuyện kể, chúng tôi luôn cảm nhận sâu sắc tấm lòng vị tha, tình yêu thương bao la của Bác dành cho nhân dân, dành cho chiến sĩ, những người thân cận của Bác; Sự hăng say lao động không ngại khó, ngại khổ của Bác.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như đời sống hằng ngày của mình, Người luôn đối xử với người, với việc luôn luôn có lý, có tình. Bác luôn dạy cho mọi người về công việc, về đời sống, vừa nghiêm khắc, vừa yêu thương dìu dắt. Những tình cảm ấy được thể hiện qua những mẩu chuyện kể về Bác. Trong những câu chuyện về Bác, có những câu chuyện làm ta phải suy tư, ngẫm nghĩ thật nhiều để làm sao áp dụng trong cuộc sống và công việc thường ngày. Câu chuyện kể dưới đây, sẽ giúp chúng ta học tập và áp dụng vào thực tiễn tại nơi làm việc hiệu quả hơn, câu chuyện có tên “Bác muốn biết sự thật kia”. Từ mẫu chuyện này, Bác chỉ ra cho chúng ta một bài học lớn, đó là phải tôn trọng sự thật, đưa sự thật lên vị trí đầu tiên trong nhận thức; Không nắm sự thật của sự việc thì không thể có nhận thức đúng, cách làm đúng; Che giấu sự thật, xuyên tạc sự thật, đánh giá sai sự thật là nguồn gốc của những sai lầm trong đời sống cũng như trong công tác. Bác nhấn mạnh: “Lần này đi thăm bà con nông dân, Bác muốn nói chuyện thật sự tự nhiên để biết rõ tình hình thực tế. Bác thì Bác muốn biết sự thật kia!. Ở câu chuyện này, chúng ta thấy được sự quan tâm của Bác đến nông dân, đến đời sống, đến chuyện làm ăn, mùa màng của bà con, đến thực tế dân tình đang diễn ra. Với Bác, chuyện cơm áo của dân là hàng đầu. Bài học “lấy dân làm gốc” là tư tưởng nhân dân mà Bác Hồ luôn đặt lên hàng đầu trong công tác lãnh đạo đất nước ở mọi thời kỳ. Một bài học khác rút ra từ câu chuyện này, như Bác dạy: “nếu làm việc gì cần phải bí mật, thì phải làm sao để không ai phát hiện được”. Trong hoạt động cách mạng, trong công tác, cung như trong sinh hoạt hằng ngày, có những chuyện cần phải giữ bí mật. Giữ bí mật, theo Bác, hoàn toàn khác với việc bưng bít thông tin, che đậy những việc xấu, ngại nói, ngại đấu tranh, ngậm miệng làm thinh để mặc cho sự thật bị bóp méo. Đây là bài học lớn mà mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi con người cần ý thức rõ trong công tác, trong cuộc sống.
Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù một cử chỉ rất đời thường, một lời nói nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa cả tấm lòng bao dung, vị tha, rộng lượng của Người, ẩn chứa cả một nhân cách cao quý, vĩ đại. “Trong một chuyến tới thăm nước bạn lần ấy, Bác có mang theo một cây san hô lớn, màu hồng rất đẹp để tặng khách. Khi chuyển món quà quý lên máy bay, đồng chí Lâm đã làm gãy một “cành” lớn. Đồng chí Lâm rụng rời tay chân, mặt tái mét, run như lên cơn sốt. Bác nhìn thấy , đồng chí Lâm lắp bắp mãi không thưa được câu gì với Bác. Bác vỗ vai đồng chí Lâm nhẹ nhàng nói: Thôi để Bác dặn chuyển một cây khác vào chuyến máy bay sau. Chú đừng buồn. Ai chẳng có lần lỡ tay”. Câu chuyện còn mang một ý nghĩa về tinh thần trách nhiệm, tính trung thực, dám làm dám chịu. Biết nhìn nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa sai lầm của mình đó là điều đáng trân trọng. Nhiều người vẫn chỉ nhìn thấy quá khứ, thấy cái lỗi cũ, mà không nhận ra, khẳng định những thay đổi tích cực từ những người từng mắc lỗi. Câu chuyện giúp mỗi người chúng ta học tập được tính trung thực, trách nhiệm và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ với mọi người dù ở bất cứ nơi nào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng Người luôn từ chối tất cả những gì tốt đẹp nhất dành cho mình, điều này thể hiện qua mẩu chuyện “Ba chiếc ba lô”, là một vị lãnh đạo nhưng khi đi cùng các bộ đội, chiến sĩ vượt qua rừng, qua núi, Bác vẫn muốn chiếc ba lô của mình cũng giống như các chiếc ba lô còn lại. Bác luôn muốn mình được bình đẳng như bao người xung quanh, Bác không đặt ra một quyền lợi đặc biệt nào cho bản thân mà luôn ân cần quan tâm đến những điều nhỏ nhoi, bình dị nhất của mọi người.
Ảnh: Sưu tầm
Những câu chuyện kể về Bác, giúp chúng ta thấy sự vĩ đại của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, mỗi chúng ta cần cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa, phải học tập, tu dưỡng và rèn luyện suốt đời theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Người. Nhìn lại thời gian qua, trong cuộc sống cũng như trong công việc, bản thân mỗi người chúng ta đôi khi cũng có cái tôi và sự ích kỷ riêng, đôi khi chưa có sự gần gũi, quan tâm, chia sẽ khó khăn nhiều với những người xung quanh cũng như chưa đặt mình vào vị trí của họ để hiểu, để thông cảm cho hoàn cảnh, cho công việc của họ. Thế hệ chúng ta hôm nay được được sinh ra trong hòa bình, được thừa hưởng thành quả cách mạng vẻ vang mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang lại. Cho nên, chúng ta phải có một chương trình hành động cụ thể, gắn học tập và làm theo, với sửa chữa, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, hành động hằng ngày để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ngày càng đạt hiệu quả cao./.