Chuyện kể rằng : “Tết Nguyên đán Tân Sửu (1961), Bác Hồ trở lại Cao Bằng, nơi 20 năm trước, Người đã vượt biên giới Việt – Trung về Pác Pó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng (29/01/1941).
Tuy vừa đi xe ô tô một đoạn đường dài theo Quốc lộ số 4 gập ghềnh, khúc khuỷu, nhưng sáng ngày 20/02/1961, Bác Hồ đã tranh thủ đi thăm Pác Bó.
Thuở ấy, từ ngã ba Đôn Chương vào Pác Bó chưa có đường ô tô như ngày nay, chỉ có đường mòn cách xa 8 cây số, trời lại vừa mới mưa phùn nên đường lầy trơn rất khó đi.
Để đảm bảo an toàn cho Bác, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã chuẩn bị sẵn và đề nghị Bác đi ngựa - Bác chấp thuận. Hai chiến sĩ biên phòng lo Bác ngồi trên lưng ngựa không vững bèn chạy theo hai bên để đỡ Bác. Bác gạt đi:
- Các chú khỏi lo. Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Bác làm gì có xe ô tô để đi. Nếu đi công tác chặng đường gần thì đi bộ, chặng đường xa mới có ngựa cưỡi. Bác cưỡi ngựa thạo rồi.
Vào đến bản Pác Bó, Bác và các đồng chí cùng đi vào thẳng hang Cốc Bó rồi mới quay ra gặp gỡ bà con dân bản. Từ bản Pác Bó vào khu vực hang Cốc Bó, ngựa không sao đi nổi, Bác phải chống gậy đi bộ.
Năm ấy Bác đã sang tuổi 71, sức khỏe đã giảm nhiều, lại thêm phần xúc động khi trở lại thăm chốn xưa, nên đến đầu nguồn suối Lênin, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đề nghị Bác không leo núi dốc để thăm lại hang Cốc Bó nữa. Ngước nhìn lên phía hang nằm ở lưng chừng núi, Bác bùi ngùi nói: Thôi! Đành vậy. Nhờ các chú lên thăm hang giúp Bác.
Trong khi chờ đợi đoàn người lên thăm hang, Bác thong dong đi thăm lại những phiến đá Bác kê thay bàn ghế để ngồi làm việc, thăm gốc cây ổi thường ngày Bác vẫn hái lá đun uống thay chè, trước đây chỉ với tay tầm ngang đầu là hái được từng nắm lá, nay đã trở thành một cây ổi cổ thụ vươn cao hàng chục mét, gốc đã tróc vỏ trơ lõi sần sùi, thăm phiến đá nhẵn bóng dưới gốc cây si già khi thư dãn Bác thường ngồi câu cá bên bờ suối… gợi nhớ biết bao kỷ niệm của một thời hoạt động bí mật gian truân.
Từ trên hang xuống, đồng chí Lê Quảng Ba - người từng dẫn đường cho Bác từ Trung Quốc vượt biên giới về Pác Bó và đã được sống gần với Bác suốt thời gian ở Pác Bó, năm ấy là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương - thưa với Bác: Thưa Bác, đường lên hang trơn trượt, cỏ mọc đôi đoạn phủ cả lối đi. Còn trong hang, tượng ông Mác, tượng vượn người, dòng chữ nho Bác viết trên vách hang đều còn nguyên vẹn. Duy chỉ có mấy tấm phản kê làm giường cho Bác nằm thì đã mục nát cả.
Bác xúc động nói: Bà con Pác Bó tốt quá. Trước đây, nếu không được bà con đùm bọc, cưu mang thì làm sao Bác sống qua được những ngày cách mạng đen tối. Nay đã hai chục năm qua đi, lại vẫn gìn giữ, bảo vệ cả cái hang Bác ở. Hôm nay, Bác rất vui. Bây giờ còn ít phút, Bác và các chú ta cùng làm một bài thơ.
Mọi người vỗ tay hưởng ứng, Bác liền chỉ ngay đồng chí Hồng Kỳ - lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng:
- Chú là bí thư, chú xướng câu mở đầu.
Đồng chí Hồng Kỳ lắc đầu, gãi tai, cười trừ:
- Thưa Bác, cháu là bí thư nhưng lại rất bí thơ. Cháu không biết làm thơ đâu ạ!
Bác phê bình khéo: Đáng lẽ chú là bí thư thì phải giỏi làm thơ mới đúng. Thơ cũng là vũ khí cách mạng. Có khi cán bộ nói cả buổi mà quần chúng vẫn nghe không ra, nhưng chỉ đọc mấy vần thơ thì ai cũng hiểu.
Bác nhìn quanh rồi chỉ vào đồng chí Tố Hữu:
- Vậy thì chú Lành vậy. Chú là nhà thơ Tố Hữu mà.
Đồng chí Tố Hữu cũng lắc đầu cười:
- Dạ, ở đây Bác là người có tuổi hơn cả. Xin kính lão đắc thọ, mời Bác khai thơ trước ạ!
Bác cười to:
- Các chú khôn thật, định dồn Bác vào chân tường? Được, Bác sẽ khai thơ vậy.
Suy nghĩ giây lát, Bác đọc hai câu mở đầu:
Hai mươi năm trước ở hang này
Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây.
Đấy, bác đã mở đến nửa phần bài thơ. Bây giờ đến lượt các chú làm hai câu cuối.
Mọi người vỗ tay hoan hô. Rồi mỗi người thêm một ý, góp một ý, góp một câu, cuối cùng Bác kết luận:
Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu
Non sông gấm vóc có ngày nay.
Thế là bài thơ hoàn thành. Thực ra bài thơ là không đề, về sau này Nhà xuất bản mới đặt cho bài thơ là Thăm lại Pác Bó.
Vừa lúc ấy, có người từ ngoài bản Pác Bó chạy vào báo với đồng chí Lê Quảng Ba và đồng chí Hồng Kỳ:
- Báo cáo đồng chí, hiện nay bà con dân xã và dân các xã bạn đã tập họp ở trước bản Pác Bó đông đủ cả rồi, mời Ông Cụ và đoàn đại biểu cấp trên ra nói chuyện với bà con.
Đồng chí Lê Quảng Ba thưa lại với Bác, Bác liền đứng dậy cùng đoàn người quay ra bản Pác Bó.
Lời thơ của Bác như là một sự tổng kết, ghi chép về lịch sử đáng trân trọng, tự hào cả về quá khứ, hiện tại và tương lai mà mỗi người dân Việt Nam cần phải ra sức nghiên cứu, học tập và làm theo để cùng nhau góp sức xây dựng cho quê hương mình ngày càng đổi mới, tươi đẹp, như lúc sinh thời Người vẫn hằng mong ước.”
Qua câu chuyện, chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm là luôn luôn phấn đấu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác:
Thứ nhất là về tính chủ động, tự lập; tuy sức khỏe giảm súc ở tuổi 71 nhưng Bác không ngại khó khăn gian khổ, cố gắng làm những việc tự làm được không muốn gây phiền hà đến người khác, Người quý trọng thời gian tranh thủ thăm những nơi trước đây đã sống và hoạt động cách mạng.
Thứ hai, về cách sống tình cảm của Bác khi Người xúc động, thể hiện tinh thần biết ơn sâu sắc trước những gì người dân Pác Pó dành cho mình, lời nói và cảm xúc của Bác đã tôn vinh truyền thống quý báo “uống nước nhớ nguồn” của Ông cha ta từ ngàn xưa.
Thứ ba, câu chuyện trên còn để lại bài học quý báo về tinh thần lạc quan, giản dị và phong cách sống của Bác khi Người gợi ý và cùng các đồng chí nơi đây làm thơ, thông qua bài thơ ngắn ấy Người đã chủ ý nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên và mọi người không quên vai trò và trách nhiệm của Đảng, Đảng sẽ lãnh đạo toàn dân vượt qua chặng đường lịch sử gian nan mà có hậu, xây dựng nước Việt Nam ngày càng phát triển không ngừng, đạt được nhiều thắng lợi to lớn hơn./.