Người đã tìm hiểu, tiếp thu những yếu tố dân chủ, tiến bộ, nhân văn của các học thuyết khác theo tư tưởng của Lênin: “Chỉ những người cách mạng chân chính mới thu hái được những điều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại”. Do đó, tự chủ, năng động, sáng tạo luôn là yếu tố tiên quyết tiền đề để đảng viên, quần chúng phát huy được hết khả năng, tiềm năng của bản thân trong công việc để phục vụ cách mạng, góp phần phát triển đất nước giàu mạnh. Điều làm nên sự vĩ đại, nhưng gần gũi, giản dị của Hồ Chí Minh là ở nhân cách, đạo đức, tài năng, những cống hiến của Người cho dân tộc và nhân loại. Một trong những di sản mà Người để lại là phong cách tư duy độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo - cơ sở, tiền đề cho việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.
Có thể hiểu, phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Hồ Chí Minh là một trong những nét độc đáo trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh; là cơ sở cho việc hình thành những luận điểm, tư tưởng đặc sắc mang dấu ấn Hồ Chí Minh, tạo nên sự khác biệt giữa Hồ Chí Minh với nhiều nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo tiền bối và đương thời.
Để nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn về quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Tập thể Chi bộ 7 thuộc Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ xây dựng chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “Phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo của đảng viên, quần chúng trong thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị” nhằm để cán bộ, đảng viên tiếp tục rèn luyện, tu dưỡng và nâng cao ý thức trong thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Ngành giao phó.
Phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện:
Thứ nhất, quan niệm của Hồ Chí Minh về tư duy tự chủ được thể hiện sâu sắc qua cách nghĩ không lệ thuộc, không bắt chước, không theo đuôi. Theo Người, tự chủ tức là tự mình làm chủ mọi suy nghĩ và hành động của mình, dựa vào sức mình là chính, có tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm nhưng tự mình phải suy nghĩ, tìm tòi, tự bản thân phải thấy được trách nhiệm với công việc được giao, định ra những biện pháp nhằm giải quyết công việc của mình[1].Trong giai đoạn đất nước mới bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, một mặt, Hồ Chí Minh đòi hỏi đảng viên phải đặc biệt coi trọng việc học tập kinh nghiệm quý báu của các nước anh em, mặt khác Người chỉ rõ: “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử, địa lý khác … ta có thể đi theo con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”[2].
Thứ hai, năng động là tích cực, chủ động, dám nghĩ, dám làm và sáng tạo là sự say mê, tìm tòi để tạo ra những giá trị mới về vật chất, tinh thần hoặc tìm ra cái mới, cách giải quyết mới mà không bị gò bó phụ thuộc vào cái đã có. Sáng tạo là vận dụng đúng quy luật chung cho phù hợp với cái riêng, cái đặc thù; sẵn sàng từ bỏ những cái cũ, lạc hậu, tìm tòi, đề xuất những cái mới để có thể trả lời được những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống đặt ra[3].
Năng động là cơ sở để sáng tạo và sáng tạo là động lực để năng động. Năng động, sáng tạo là phẩm chất cần thiết của người lao động trong xã hội hiện đại, nó giúp con người có thể vượt qua những ràng buộc của hoàn cảnh, rút ngắn thời gian để đạt được mục đích đã đề ra một cách nhanh chóng, tốt đẹp. Trong xu thế phát triển của xã hội ngày nay, yếu tố năng động và sáng tạo là một trong những yếu tố cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên.
Cụ thể hóa tư tưởng của Người về tính năng động, sáng tạo, Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2-1-2020, của Bộ Chính trị “Về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” đã quy định năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, dám đương đầu với khó khăn, thách thức là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá về phẩm chất, năng lực và uy tín của cán bộ.
Thứ ba, tính tự chủ, năng động, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là quá trình học hỏi, thấm nhuần sâu sắc sự chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác – Lênin, “chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đó đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”[4].
Nhờ tinh thần tự chủ, năng động, sáng tạo, Người đã phát triển nhiều luận điểm mới rất quan trọng để phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với điều kiện, tình hình của Việt Nam trong quá trình hoạt động cách mạng của Người. Theo Người, Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một lý thuyết nhất định của lịch sử Châu Âu, mà Châu Âu chưa phải là toàn thể nhân loại; do vậy, phải xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông[5].
Thứ tư, trong làm việc, ứng xử, Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự tự chủ, năng động, sáng tạo, tìm cách làm mới, linh hoạt. Người nói: “Tư tưởng bảo thủ như là sợi dây cột chân, cột tay người ta… Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức được rằng, tư duy là điểm xuất phát của mọi việc, muốn có hành động đúng phải có tư duy đúng. Người cán bộ, đảng viên có phong cách tư duy cách mạng, khoa học sẽ luôn phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ và hoàn thành mọi nhiệm vụ được tổ chức phân công.
Đó là con đường dẫn đến nhận thức đúng và phương pháp, hành động đúng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu...
Phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo của Đảng viên, quần chúng trong thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị
Thứ nhất, học tập và làm theo tư duy tự chủ, năng động, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, trong công tác chuyên môn, đảng viên, quần chúng của đơn vị luôn phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định pháp luật.
Trong công tác, Chi bộ luôn bám sát tình hình thực tế của đơn vị, phát huy tinh thần tự chủ, năng động, sáng tạo để phát huy thế mạnh của từng đảng viên, quần chúng trong đơn vị để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công. Trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định pháp luật, đơn vị đã thực hiện lập phiếu kiểm sát kịp thời 100% thông báo thụ lý, bản án, quyết định… do Tòa án nhân dân cùng cấp, Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới gửi đến, từ đó kịp thời phát hiện những vi phạm, tham mưu lãnh đạo Viện thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, Chi bộ chú trọng phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo của đảng viên, quần chúng thông qua công tác nghiên cứu hồ sơ, xây dựng báo cáo án, bài phát biểu đối với từng vụ việc cụ thể. Theo đó, mỗi Kiểm sát viên trên cơ sở hồ sơ được phân công phát huy tính tự chủ, năng động trong quá trình xây dựng báo cáo án, nghiên cứu đề ra đường lối giải quyết, báo cáo đề xuất quan điểm đối với từng vụ, việc cụ thể; chủ động trong việc xây dựng hồ sơ kiểm sát, đề cương xét hỏi, dự thảo bài phát biểu của Kiểm sát viên. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ phần thủ tục tố tụng tại phiên tòa để kịp thời yêu cầu Hội đồng xét xử khắc phục nếu có thiếu sót, vi phạm nhằm đảo bảo đúng trình tự thủ tục phiên tòa, ghi chép đầy đủ diễn biến vào bút ký phiên tòa, chủ động xử lý những tình huống, bổ sung những tình huống phát sinh mới tại phiên tòa vào dự thảo bài phát biểu, bảo đảm bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa là một văn bản pháp lý thể hiện quan điểm toàn diện, đầy đủ của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ mỗi cán bộ có kỹ năng sáng tạo khác nhau để giải quyết nhanh vụ án nhưng đảm bảo có căn cứ, đúng theo quy định pháp luật.
Thứ ba, trong công tác hướng dẫn, trả lời thỉnh thị đối với Viện kiểm sát nhân dân quận huyện, Kiểm sát viên được phân công chủ động nghiên cứu hồ sơ, đề xuất đường lối giải quyết vụ án, hướng trả lời thỉnh thị đối với lãnh đạo phòng, lãnh đạo Viện, từ đó giúp phát huy thêm tính tự chủ, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị.
Để tiếp tục phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo của đảng viên, quần chúng trong thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, Chi bộ 7 đề ra những giải pháp sau:
Đối với cấp ủy Chi bộ, người đứng đầu
Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “chính trị quan trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền quan trọng hơn tác chiến”, do vậy cần phải tập trung, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền đến mỗi cán bộ, đảng viên về giá trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, phong cách tư duy tự chủ, năng động, sáng tạo của Bác nói riêng để phục cho công tác chuyên môn tại đơn vị. Việc giáo dục, tuyên truyền cần được tổ chức thường xuyên, liên tục với nội dung phong phú, sinh động; cách thức, biện pháp đa dạng, gần gũi, bình dị, phù hợp để mỗi đảng viên, quần chúng nhận thức được vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học và làm theo phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Bác, hình thành ý thức tự giác thường xuyên trong mỗi đảng viên, quần chúng.
Hai là, người lãnh đạo phải thể hiện lập trường, tư tưởng vững vàng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phải luôn thể hiện, chứng minh được tinh thần tự chủ, năng động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo điều hành để làm gương cho đảng viên, quần chúng tại đơn vị, tạo điều kiện để đảng viên, quần chúng tại đơn vị noi gương và phát huy tinh thần tự chủ, năng động, sáng tạo trong công tác.
Ba là, thường xuyên giữ nghiêm kỷ luật Đảng và tăng cường công tác tự phê bình và phê bình, giám sát thường xuyên việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Chi ủy, người đứng đầu phải quan tâm sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, biết động viên, tạo điều kiện để đảng viên, quần chúng phát huy thế mạnh cũng như lắng nghe, thấu hiểu, khuyến khích cán bộ, đảng viên khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế.
Bốn là, cần đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tính tự chủ, năng động, sáng tạo vào chương trình, kế hoạch của chi bộ, cơ quan để thực hiện có hiệu quả công tác, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất và năng lực nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể.
Năm là, ý thức trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật, tinh thần phối hợp trong công tác luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm nói đi đôi với làm, trong công tác quản lý luôn siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đấu tranh xử lý nghiêm minh những hành vi sai trái. Trong quan hệ phối hợp với cơ quan hữu quan luôn thể hiện đúng mực trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của ngành, cùng trao đổi bàn bạc những vấn đề vướng mắc khó khăn từ đó có phương án tháo gỡ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và khen thưởng, biểu dương. Xử lý nghiêm, kịp thời và công bằng những sai phạm, dấu hiệu sai phạm của đảng viên, nhằm chấn chỉnh kịp thời, đồng thời củng cố niềm tin trong Đảng bộ. Cần có chế độ, chính sách khen thưởng về vật chất và tinh thần đối với cán bộ, đảng viên làm việc tốt, tận tụy, chủ động và sáng tạo trong công việc.
Tổ chức thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quy định, các chương trình, kế hoạch của cấp ủy cấp trên và của Ngành.
Đối với cán bộ, đảng viên
Một là, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, rèn luyện phong cách tư duy, có tinh thần tự chủ, năng động, sáng tạo, có bản lĩnh chính trị vững vàng, dám chịu trách nhiệm, phải có chính kiến riêng, luôn là tấm gương trong thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị.
Hai là, thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng, thường xuyên tự phê bình và phê bình. Cán bộ, đảng viên phải luôn giữ thái độ chân thành, thật thà, khiêm tốn, thẳng thắn góp ý phê bình đối với ưu điểm, tồn tại, hạn chế của đồng chí, đồng nghiệp trên tinh thần yêu thương, góp ý, xây dựng lẫn nhau và cùng nhau tiến bộ. Bản thân cán bộ, đảng viên được góp ý, phê bình phải có tinh thần cầu thị, nghiêm túc lắng nghe và từng bước khắc phục hạn chế, khuyết điểm để hoàn thiện bản thân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Có hoạt động thì khó tránh khỏi khuyết điểm. Nhưng khi có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh người khác phê bình và kiên quyết sửa chữa”[6].
Ba là, bám sát nhiệm vụ của Ngành, của cơ quan, sự chỉ đạo của Đảng ủy cấp trên và của Chi bộ để chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Bốn là, phát huy tính tiên phong, gương mẫu ở từng đảng viên trong thực hiện chức trách của mình. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có ý thức tự giác, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; chấp hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp trên; làm việc bảo đảm đúng nguyên tắc, kỷ cương, công tâm, không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc. Khi thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao thì mỗi cán bộ, đảng viên phải thực thi đúng nhiệm vụ trên vị trí công tác. Thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo mật, chế độ báo cáo, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức theo quy định của ngành trong thi hành nhiệm vụ.
Năm là, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật của Tòa án, phát hiện kịp thời vi phạm để tham mưu lãnh đạo ban hành kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật, nhằm bảo đảm các vụ việc được giải quyết một cách đúng đắn, chính xác, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ "bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm"[7], yêu cầu của Người về tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên vẫn luôn mang tính thời sự trong tình hình hiện nay. Để đáp ứng yêu cầu về công tác chuyên môn, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được phân công, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải luôn có ý thức tự chủ, năng động và sáng tạo, luôn chủ động trong giải quyết công việc, thực hiện công việc vì lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, tập thể, vì Nhân dân. Do đó, cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong việc tư duy, phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo là việc làm rất quan trọng, gắn với yêu cầu thực tế trong thực hiện công việc tại đơn vị.
[1] Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2010, tr. 153.
[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr. 227.
[3] Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2010, tr. 165.
[4] Lê nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.232.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tr. 510.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tr. 335-336.
[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, tr. 249