Chuẩn mực đạo đức của người cán bộ Kiểm sát theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh
25/07/2019
Đăng bởi: VKSND TP Cần Thơ
Lượt xem: 1711
Đã 59 năm trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (ngày 26/7/1960). Đến nay, những lời dạy của Bác đối với cán bộ ngành Kiếm sát nhân dân vẫn còn vang mãi trong lòng mỗi chúng ta. Bên cạnh những yêu cầu chung về đạo đức cách mạng của người cán bộ, Bác Hồ còn dặn rằng: "Là cơ quan đi kiểm tra và giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân, ngành Kiểm sát hơn ai hết phải là người gương mẫu chấp hành pháp luật, cũng vì vậy cán bộ Kiểm sát phải "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Năm đức tính gói gọn trong một câu nói của Bác Hồ tưởng chừng như rất đơn giản nhưng để thực hiện và thực hiện tốt lại đòi hỏi một sự nỗ lực không hề nhỏ đối với từng cán bộ, Kiểm sát viên trong Ngành.
Công minh, chính trực được hiểu là sự công bằng, minh bạch, chính nghĩa, trung trực. Theo đó Bác dạy chuẩn mực đạo đức đầu tiên đối với người cán bộ kiểm sát khi thực thi nhiệm vụ là phải làm sao giữ cái tâm cho sáng, cái đức cho trong, minh bạch, ngay thẳng trong công việc, để đảm bảo sự công bằng, bảo vệ cái đúng, bảo vệ công lý và chính nghĩa. Không vì bất kỳ sự tác động nào mà nao núng, thiên vị dẫn đến giải quyết công việc có điều khuất tất, bất công. Để thực hiện được điều đó, Bác cũng dạy người cán bộ Kiểm sát phải rèn luyện ý thức, tác phong và phương pháp làm việc một cách khách quan, thận trọng và khiêm tốn. Khi thực thi nhiệm vụ, người cán bộ kiểm sát phải làm sao giữ cho mình sự nhìn nhận, đánh giá một cách công tâm, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan. Tuyệt đối không vì định kiến cá nhân hay những tác động tiêu cực mà có cái nhìn phiến diện trong xử lý công việc, xa rời sự thật, thậm chí suy diễn, bóp méo sự thật vì sự thiên vị của mình. Yêu cầu về tính khách quan không chỉ đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát không có sự thiên vị, mà còn phải hết sức thận trọng và khiêm tốn, bởi nếu chủ quan, kiêu ngạo, thiếu sự cẩn trọng, tỉ mỉ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những nhận định, đánh giá phiến diện, không đúng, gây ra sự nhầm lẫn, sai sót trong công việc.
Hiến pháp năm 2013 quy định “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp... có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.” (Điều 107). Với chức năng Hiến định, Ngành kiểm sát nhân dân mang trọng trách rất lớn trước Đảng, trước Nhà nước và nhân dân trong nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ công lý và sự bình yên cho đời sống nhân dân. Tất cả trọng trách đó đặt trên vai từng cán bộ, Kiểm sát viên Ngành kiểm sát.
Nhiều năm qua, Ngành kiểm sát nhân dân luôn chú trọng tổ chức, xây dựng được đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên: “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Mỗi cán bộ, kiểm sát viên chính là những tấm gương phản chiếu hình ảnh về Ngành kiểm sát nhân dân có mạnh hơn, lớn hơn, có hoàn thành sứ mệnh được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó hay không, có được nhân dân tôn trọng, tin yêu hay không, đều phụ thuộc vào chính sự nỗ lực của từng cán bộ, Kiểm sát viên trong Ngành. Để hoàn thiện nhân cách của mình, đòi hỏi mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải luôn ra sức tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, đạo đức, học tập và làm theo lời dạy của Bác đối với “Cán bộ kiểm sát phải Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Có công minh thì mới thực thi nhiệm vụ một cách công bằng và sáng suốt, không thiên vị cá nhân, không tư lợi bất chính.
Có chính trực thì mới ngay thẳng, trung thực mà kiên quyết bảo vệ cái đúng, bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ công lý.
Có khách quan thì mới phân biệt rõ phải trái, xác định được đúng sai, đâu là sự thật, đâu là gian dối, tránh suy diễn, xuyên tạc thực tế theo định kiến cá nhân mà dẫn đến sai lầm.
Có thận trọng thì mới tận tâm, tận lực để xem xét, giải quyết công việc một cách toàn diện, đầy đủ, tránh sai, tránh sót dù là nhỏ nhất.
Có khiêm tốn thì mới biết tôn trọng bản thân, phân biệt rõ được sự khen, sự chê, mà rút kinh nghiệm để tích cực học hỏi, phấn đấu rèn luyện bản thân tốt hơn.
Nhân dịp kỷ niệm 59 năm ngày thành lập Ngành kiểm sát nhân dân (26/7/1960- 26/7/2019), cũng là dịp để mỗi cán bộ, Kiểm sát viên Ngành kiểm sát huyện Vĩnh Thạnh có dịp ôn lại truyền thống của Ngành kiểm sát để ra sức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ kiểm sát phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” là những chuẩn mực tiên quyết để hình thành nên nhân cách người cán bộ kiểm sát, không được lơi lỏng, lơ là, bởi giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ không thể tách rời, đức tính này hỗ trợ cho đức tính kia phát huy và ngược lại. Lời dạy của Bác đối với cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, lời dạy ấy đã, đang và sẽ mãi mãi là phương châm giáo dục, bồi dưỡng cán bộ của Ngành kiểm sát; là kim chỉ nam, là chuẩn mực đạo đức để mỗi cán bộ Ngành kiểm sát nhân dân phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành.