Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời đã rất coi trọng vấn đề tự phê bình và phê bình trong tổ chức và hoạt động của mình, nhất là sau khi đã trở thành Đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần tự phê bình và phê bình hoạt động lãnh đạo trước toàn thể đảng viên và cán bộ. Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt và hoạt động của Đảng đúng đắn không những không làm giảm uy tín của Đảng mà còn làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Đối với mỗi tổ chức cơ sở, Chi bộ Đảng, căn cứ vào tình hình thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, thực hiện nghiêm túc, có nề nếp tự phê bình và phê bình thông qua sinh hoạt Chi bộ định kỳ hàng tháng là việc làm mang tính xây dựng, phát triển nội dung sinh hoạt, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Đảng, đảng viên. Nhận thức, vận dụng đúng quan điểm, Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực công tác; thực hiện giải pháp cải tiến, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sửa đổi lối làm việc, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong làm việc của mỗi cán bộ, đảng viên, để mỗi người cán bộ, đảng viên, mỗi chi bộ, mỗi tổ chức cơ sở Đảng ngày càng đúng hơn, tốt hơn, ưu điểm nhiều hơn, khuyết điểm ít hơn.
Tuy nhiên, để công tác tự phê bình và phê bình có kết quả, đúng mục đích, thì chúng ta phải thực hiện đúng quy trình, phương pháp, nghiêm túc không nể nang, không “dĩ hòa vi quý”, không thêm cũng không bớt và phải căn cứ vào sự việc có thật để nhận xét, đánh giá và phân tích, vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm, có lý, có tình, mềm dẻo, khéo léo về cách thức để người có khuyết điểm nhận thấy khuyết điểm của mình, có thái độ đúng đắn trong tiếp thu phê bình, sửa chữa khuyết điểm. Phải xuất phát từ động cơ đúng đắn, trong sáng, mang tính chất xây dựng, có tình đồng chí yêu thương giúp đỡ lẫn nhau; phải công khai trực tiếp nói ý kiến của mình để “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”, không “nhẹ trên, nặng dưới”. Biết tự phê bình mình trước, phê bình người khác sau; cấp trên tự giác, gương mẫu tự phê bình trước để cấp dưới noi theo, ai cũng thực hiện tự phê bình và phê bình. Kết hợp chặt chẽ phê bình và tự phê bình với sửa chữa khuyết điểm… Làm tốt những điều này thì chất lượng tự phê bình và phê bình sẽ được nâng lên.
Thực hiện theo sự chỉ đạo của Đảng ủy Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ, Chi bộ 4 đã tổ chức triển khai việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ đảm bảo đúng quan điểm chỉ đạo, quy trình, và đúng nguyên tắc.
Chi bộ thường xuyên giáo dục cho đảng viên thấy rõ sự cần thiết phải tăng cường tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Chi bộ để mọi người thống nhất trong tư tưởng và hành động, khắc phục những biểu hiện buông lỏng sinh hoạt Đảng, coi nhẹ tự phê bình và phê bình. Chi bộ đã “tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân” trong tự phê bình và phê bình. Mục đích nhằm chỉ ra những điểm mạnh để phát huy, những điểm hạn chế để sửa chữa khắc phục, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong chi bộ.
Việc làm rõ trách nhiệm cá nhân trong quá trình tự phê bình và phê bình đã khắc phục khuyết điểm trên từng công việc và lĩnh vực mà mỗi Đảng viên được chi bộ, cơ quan giao. Thực hiện “nêu gương tự phê bình và phê bình”, Chi bộ không phê bình chung chung, xuê xoa, chiếu lệ. Bí thư chi bộ đã nghiên túc chỉ ra những ưu, khuyết điểm của từng đảng viên, đồng thời phát huy ý thức tự giác, dân chủ để đảng viên tham gia đóng góp ý kiến. Qua kiểm điểm, ý thức tự phê bình và phê bình của đảng viên được nâng lên. Vì vậy, tính chiến đấu và bản lĩnh chính trị của mỗi đảng viên được nâng cao.
Bên cạnh đó, Chi bộ đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương, từng đảng viên trong Chi bộ phải chấp hành nghiêm các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt Đảng, các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên và Nghị quyết của Chi bộ, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của người Đảng viên trên vị trí công tác của mình.
Chi bộ 4 đã tổ chức tự phê bình và phê bình trong mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, nội dung sinh hoạt có tính cụ thể, thiết thực hướng vào việc kiểm điểm, phân tích, đánh giá, phê phán những khuyết điểm của từng đảng viên, trước hết là hướng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chức trách, nhiệm vụ và việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức nâng cao năng lực, phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên. Phê bình và tự phê bình được tiến hành một cách nhanh chóng, kịp thời nên những hạn chế, khuyết điểm không để tái diễn, kéo dài, do đó đã khích lệ mọi đảng viên trong chi bộ đã phát huy được tính chủ động, mạnh dạng đóng góp ý kiến, phê bình sự lãnh đạo của chi bộ cũng như tự phê bình và phê bình lẫn nhau một cách rất thẳng thắn, mang tính xây dựng, giúp nhau cùng tiến bộ, cùng phát triển góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.
Tuy nhiên, công tác phê bình và tự phê bình vẫn còn những tồn tại, hạn chế như một số đảng viên còn nể nang ngại va chạm, ít phát biểu ý kiến trong sinh hoạt chị bộ (việc phát biếu ý kiến chỉ tập trung vào đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, đảng viên lớn tuổi, còn một số đảng viên trẻ rất ít phát biểu trong các kỳ sinh hoạt chi bộ); qua đó cho thấy tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình của đảng viên vẫn còn hạn chế, chưa thể hiện được tính xây dựng, tính chiến đấu của người đảng viên.
Để thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Chi bộ chúng ta cần làm tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất: Chi bộ cần quan tâm chỉ đạo các đồng chí đảng viên nghiên cứu, học tập để hiểu đầy đủ, sâu sắc nội dung ý nghĩa của việc phê bình và phê bình trong Đảng, giúp đỡ đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị trong sinh hoạt Đảng, trong đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, sai trái, đồng thời tạo cho đảng viên trong chi bộ có ý thức, thực hiện nghiêm túc trong tự phê bình và phê bình.
Thứ hai: Thực hiện nề nếp, duy trì thường xuyên việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ thông qua các cuộc họp định kỳ tháng, năm và các buổi sinh hoạt chuyên đề. Trong đó Bí thư chi bộ giữ vai trò chủ chốt, trong thực hiện các nguyên tắc trong việc tự phê bình và phê bình.
Thứ ba: Chi bộ cần đề ra những chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp xây dựng Chi bộ trong sạch, vững mạnh gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên, nhất là việc phát hiện và đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác, chú trọng củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ, đảm bảo có tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu.
Thứ tư: Chi bộ cần giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, phấn đấu trở thành người cán bộ, công chức, công dân mẫu mực, nghiêm chỉnh chấp hành và vận dụng, thuyết phục nhân dân chấp hành Nghị quyết của tổ chức Đảng. Chi bộ xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện cho đảng viên thực hiện nhiệm vụ học tập, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt. Xây dựng kế hoạch, biện pháp quản lý, phân công nhiệm vụ và tạo điều kiện để đảng viên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Làm tốt công tác động viên, khen thưởng, kỷ luật đảng viên; xử lý nghiêm, kịp thời những đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, Pháp luật của Nhà nước.
Thứ năm: Việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ cần trung thực, thẳng thắn. Thành thật với mình, thành thật với mọi người, đó chính là nhân cách là trách nhiệm của con người nói chung và đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình sẽ là cơ sở tiền đề góp phần để Chi bộ thực hiện thắng lợi nghị quyết mà Đại hội Đảng bộ đã đề ra và đó cũng là tiền đề để Đảng bộ tiếp tục phát huy dân chủ, khơi dậy trí tuệ, khả năng làm việc của từng cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng Nghị quyết đại hội Đảng bộ trong thời gian tới.