Đoàn kết là tập hợp thành một khối thống nhất, gắn mỗi cá nhân vào khối kết chung của tập thể, phát huy tinh thần, trí tuệ, sức lao động của toàn tập thể. Đây chính là yếu tố đầu tiên quyết định sự thành công và tạo nên nhiều thành tựu vĩ đại của mọi thời đại. Lúc sinh thời Bác dạy “Đoàn kết là sức mạnh vô địch”; “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công” không một người nào có thể mạnh bằng tất cả mọi người, không một ai có thể đạt được mục đích nếu không có sự hỗ trợ, giúp sức của nhiều người.
Đoàn kết không phải mất đi chất riêng của cá nhân, ngược lại đoàn kết lại giúp cá nhân phát huy được chất riêng, tài năng riêng của mình trong tập thể. Khi đã đoàn kết, mọi người đều cùng nhìn về một hướng, đều đặt lợi ích chung lên cao nhất, khi đó lại càng có thêm sức mạnh, đủ vững chắc để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để đảm bảo hơn về mức độ của sự thành công. Đoàn kết là một hành động được xem là thông minh nhất của con người khi sống, học tập, lao động, công tác và đây cũng chính là chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn đến thành công.
Lịch sử nước ta đã chứng minh nơi nào có sự đoàn kết, nơi đó có thắng lợi, dân tộc ta nhỏ bé nhưng biết phát huy sức mạnh của đoàn kết mà làm được những điều vĩ đại, to lớn. Khi có giặc ngoại xâm, toàn thể dân tộc đồng lòng, quyết chí, sẵn sàng hi sinh tất cả để cứu nước tạo ra một tập thể, một hàng rào vững chắc để đánh tan tất cả mưu đồ xâm lược của giặc.
Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã coi trọng xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo thống nhất và đoàn kết của Đảng dân tộc ta đã tạo nên thắng lợi lịch sử - Cách mạng Tháng Tám và ngày 02-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Sau thắng lợi này, cả nước bước vào thời kỳ “thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ, thắng bần cùng và lạc hậu còn khó khăn hơn nhiều” ( Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.402), đây chính là thời điểm vô cùng khó khăn khi phải đối mặt với nạn đói, nạn dốt và đối phó với giặc ngoại xâm. Tại thời điểm này, Bác Hồ vĩ đại và Đảng ta tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, giành thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) và chống đế quốc Mỹ (1954-1975), giành độc lập, thống nhất toàn vẹn đất nước.
Ngày nay, tinh thần đoàn kết vẫn được thể hiện qua tinh thần đồng lòng chống lại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Thời gian qua, khi nhân dân miền Trung gánh chịu thiên tai, bão lụt, thì nhân dân cả nước một lòng hướng về miền đất khó khăn ấy, đồng lòng tương trợ, chia sẻ khó khăn, giúp nhân dân miền Trung vượt qua. Đặc biệt là vấn nạn đại dịch Covid -19, năm 2020, Ðà Nẵng trở thành tâm dịch của cả nước, nơi đây được đón nhận nhiều sự hỗ trợ từ nhân dân ta như cửa hàng 0 đồng, phiên chợ 0 đồng, phiếu mua hàng 0 đồng... đến khi thành phố Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch, tinh thần đoàn kết lại tiếp tục được phát huy. Ở tuyến đầu chống dịch, rất nhiều cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ công an, quân đội đã không ngại khó khăn, nguy hiểm với khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc”, đã tạo nên động lực mạnh mẽ, chiến đấu với dịch bệnh. Nhà nước và Nhân dân đều đã thực hiện rất tốt những khía cạnh của tình đoàn kết, từ đó đưa nước ta trở thành một trong những quốc gia chống dịch giỏi nhất trên thế giới. Tinh thần đoàn kết là động lực tạo nên sự hưng thịnh của quốc gia.
Để tiến bộ và thành công trong học tập, lao động, công tác mỗi cá nhân cần phải luôn rèn luyện mình để trở thành người biết đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, gắn kết với tập thể. Chính tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giúp chúng ta dễ dàng hòa nhập, hợp tác với mọi người xung quanh và người có tinh thần đoàn kết luôn được mọi người yêu quý, được bảo vệ, che chở và nhận được sự giúp đỡ của người khác. Tập thể và cộng đồng là nơi để cá nhân có thể thể hiện và khẳng định các giá trị của mình, từ sức mạnh của mỗi cá nhân tạo nên sức mạnh tập thể, ngược lại, sức mạnh tập thể bảo vệ và phát huy sức mạnh mỗi cá nhân. Khi tập thể cùng hợp sức lại với nhau để làm một điều gì đó thì sẽ tạo nên một sức mạnh lớn hơn, cao cả hơn và giúp chúng ta vượt qua tất cả gian nan, khó khăn, thử thách mà nếu chỉ có một mình thì sẽ khó vượt qua.
Để phát huy được tinh thần đoàn kết, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải hiểu rõ sức mạnh đoàn kết và cố gắng phát huy tinh thần đó trong tổ chức, tập thể, đặt lợi ích chung lên hàng đầu, phấn đấu và cống hiến hết mình vì tổ chức và vì lợi ích đất nước. Tinh thần đoàn kết cũng chính là thước đo phẩm chất đạo đức của cá nhân và giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành, rèn luyện và hoàn thiện nhân cách của mỗi người. Xin mượn 02 câu ca dao quen thuộc của nhân dân ta để thay cho lời kết về sức mạnh của sự đoàn kết:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”