Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng thuộc xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, đồng chí Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa, tên thường gọi là Sáu Dân (sinh năm 1922, mất năm 2008). "Với 86 tuổi đời, 69 tuổi Đảng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những cống hiến to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc... Cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước yêu quý, kính trọng và mãi mãi noi theo".[1]
*Thấm nhuần lý tưởng từ rất sớm, sự nghiệp hoạt động cách mạng phong phú trên nhiều lĩnh vực
Là con út trong một gia đình nông dân nghèo ở Vĩnh Long, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Năm 1938, khi mới 16 tuổi, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tham gia vào phong trào Thanh niên phản đế.
Tháng 11-1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư Chi bộ, Huyện ủy viên huyện Vũng Liêm và tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, thực dân Pháp đàn áp khủng bố những người yêu nước, theo sự điều động của tổ chức, đồng chí Võ Văn Kiệt về hoạt động tại vùng U Minh thuộc tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang). Trong suốt thời gian từ năm 1941 - 1945, trên cương vị Ủy viên Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Rạch Giá, đồng chí đã chỉ đạo xây dựng lực lượng cách mạng bảo vệ căn cứ địa U Minh trở thành đầu não chỉ huy cách mạng của các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Căn cứ U Minh còn là nơi huấn luyện cán bộ, sản xuất vũ khí, chuẩn bị mọi mặt cho khởi nghĩa cướp chính quyền ở Rạch Giá giành thắng lợi (1945).
Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, đồng chí Võ Văn Kiệt được cử làm Ủy viên Chính trị dân quân cách mạng lớn tỉnh Tây Nam Bộ. Năm 1950, đồng chí được điều về tỉnh Bạc Liêu làm Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Với năng lực hoạt động thực tiễn linh hoạt, sáng tạo, dấu chân của đồng chí Võ Văn Kiệt đã in khắp các chiến khu bưng biền, trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến đấu của đồng bào Tây Nam Bộ, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), đồng chí được Đảng phân công bí mật ở lại miền Nam, tiếp tục bám đất, bám dân, hoạt động ở vùng cực Nam của Tổ quốc. Năm 1955, đồng chí được bầu vào làm Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy Hậu Giang, sát cánh bên cạnh đồng chí Lê Duẩn, góp phần xây dựng Đề cương cách mạng miền Nam, làm cơ sở cho phong trào Đồng khởi của Nhân dân ta ở khắp miền Nam. Năm 1959, đồng chí được điều về Khu Sài Gòn - Gia Định, làm Bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn - Gia Định) cho đến cuối năm 1970.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960), đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; là Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, đồng chí tiếp tục làm Bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn - Gia Định), rồi Bí thư Khu ủy Khu 9 (Khu Tây Nam Bộ). Năm 1972 đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III.
Từ năm 1973 đến 1975, đồng chí được điều về công tác ở Trung ương Cục và là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam. Trên cương vị và trọng trách được Đảng giao phó, với tư duy nhạy bén, kinh nghiệm cách mạng già dặn, đồng chí đã đưa ra những nhận định, đánh giá hết sức chính xác, chỉ đạo kịp thời, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù trong việc hành quân, lấn chiếm vùng giải phóng sau Hiệp định Paris.
Trong thời gian chuẩn bị giải phóng Sài Gòn, đồng chí được Trung ương Cục phân công làm Bí thư Đảng ủy đặc biệt trong Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn, chỉ đạo quân và dân ta làm nên chiến thắng oanh liệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày Tổ quốc thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội với bao khó khăn, thiếu thốn, do hậu quả của chiến tranh để lại. Trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí đã đưa ra những quyết sách hết sức năng động, phù hợp với tình hình thực tiễn, tháo gỡ khó khăn, đưa Thành phố Hồ Chí Minh dần đi vào ổn định và trở thành đầu tàu kinh tế của khu vực và cả nước.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và được phân công làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3-1982), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể nói, dù ở cương vị nào, đồng chí Võ Văn Kiệt cũng luôn trăn trở, nghiên cứu tìm ra những bước đi thích hợp, phục vụ mục tiêu ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí thường xuyên đi xuống cơ sở, nắm bắt nguyện vọng của người dân, phát hiện nhân tố mới, từ đó đề xuất với Trung ương những chủ trương, chính sách mới sát hợp với thực tiễn. Bài học từ thực tiễn của Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác làm cơ sở cho Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện (1986). Với những đóng góp tích cực và quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt với tiến trình đổi mới đất nước, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6-1991), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII (8-1991), đồng chí được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (6-1996), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được cử làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (1992 - 1997), đồng chí được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Từ tháng 12-1997 đến tháng 4-2001, do tuổi cao, đồng chí xin rút khỏi Ban Chấp hành Trung ương, và được Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong 11 năm, từ 1997 đến khi qua đời (2008), đồng chí có nhiều đóng góp, kiến nghị với các cơ quan Đảng và Nhà nước về những vấn đề trọng đại của đất nước, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới của đất nước ta. Những ý kiến của đồng chí được trình bày thẳng thắn và đầy tâm huyết lớn với đất nước, với Nhân dân. Đồng chí được ghi nhận, đánh giá là một trong những người đi đầu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam kể từ năm 1986 và "tổng công trình sư" nhiều dự án táo bạo của thời kỳ đổi mới.
(còn tiếp...)
[1] Lời điếu do đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt.
---
*Tài liệu tham khảo
1. Võ Văn Kiệt – Một nhân cách lớn; Nhà lãnh đạo tài năng; suốt đời vì nước vì dân, Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2012.
2. Lịch sử văn hóa tỉnh Vĩnh Long, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Long.
2. Lịch sử văn hóa tỉnh Vĩnh Long, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Long.