Hòa bình lập lại, mặc dù rất bận, Bác vẫn dành thời gian đi thăm bà con nông dân. Lần ấy, vào vụ thu hoạch mùa, anh em cảnh vệ được lệnh đến trước và bố trí một số chiến sĩ cùng gặt lúa với bà con để tiện cho việc bảo vệ Bác. Trên cánh đồng lúa vàng trải rộng, có khoảng năm sáu tổ đang khẩn trương gặt hái, mấy tổ gặt ở kề ngay đường, còn một nhóm gặt mãi xa trong cánh đồng lầy lội. Mọi người nghĩ, chắc là Bác sẽ đến thăm mấy tổ gần đường, vì vậy một số anh em bảo vệ trà trộn cùng dân gặt trong những nhóm đó.
Chuẩn bị xong, mọi người yên trí chờ đợi... Một lúc sau, xe Bác đến và dừng lại gần chỗ bố trí. Bác xuống xe nhưng không lại chỗ bà con đang gặt gần đường. Người xắn quần, tháo dép đi thẳng ra nhóm đang gặt ở đằng xa.
Thấy vậy, một đồng chí lúng túng gợi ý:
- Thưa Bác, chỗ đằng kia nông dân gặt đông quá ạ!
Bác quay lại nói ngay:
- Đông gì? Các chú bố trí đấy!
- Rồi Bác tiếp tục đi.
Thế là anh nọ nhìn anh kia ngượng quá. Đến chỗ bà con nông dân đang gặt ở giữa cánh đồng, Bác ân cần hỏi han từ chuyện trong nhà đến việc ngoài đồng... Do hóa trang rất khéo, vả lại buổi đi thực tế của Bác rất bất ngờ, nên bà con nông dân cứ ngỡ là một cán bộ già đi qua đường xuống thăm, nên nói chuyện với Bác rất tự nhiên, vui vẻ.
Lúc về nhà, Bác bảo:
- “Các chú nên rút kinh nghiệm, nếu làm việc gì cần phải bí mật, thì phải làm sao để không ai phát hiện được (hóa ra Bác đã nhìn thấy trong đám gặt gần đường có cả những anh “nông dân” mặt quần kaki đi gặt lúa).
Bác nói tiếp:
- Lần này đi thăm bà con nông dân. Bác muốn nói chuyện thật tự nhiên để biết rõ tình hình thực tế. Bác thì Bác muốn biết sự thật kia! Đối với nông dân, điều đầu tiên là phải chân thực!
Trước hết, từ mẩu chuyện nhỏ này, Bác chỉ ra cho chúng ta một bài học lớn, đó là sự nhận thức sự thật, nhận thức chân lý khách quan trong tư duy Bác Hồ. Bác nhấn mạnh: “Lần này đi thăm bà con nông dân, Bác muốn nói chuyện thật sự tự nhiên để biết rõ tình hình thực tế. Bác thì Bác muốn biết sự thật kia! Đối với nông dân, điều đầu tiên là phải chân thực!”. Có thể thấy, Bác đặt sự thật lên vị trí đầu tiên trong nhận thức. Không nắm sự thật, đặc biệt là sự thật của quần chúng, không nắm đúng bản chất sự việc thì không thể có nhận thức đúng, cách làm đúng; nói cách khác, không thể phát triển. Che giấu sự thật, xuyên tạc sự thật, đánh giá sai sự thật là nguồn gốc của những sai lầm trong đời sống cũng như trong công tác. Ở đây, chúng ta cũng thấy sự quan tâm của Bác đến nông dân, đến đời sống, đến chuyện làm ăn, mùa màng của bà con, đến thực tế dân tình đang diễn ra. Với Bác, chuyện cơm áo của dân là hàng đầu. Bài học “lấy dân làm gốc” là tư tưởng nhân dân mà Bác Hồ luôn đặt lên hàng đầu trong công tác lãnh đạo quốc gia ở mọi thời kỳ. Một Đảng cầm quyền, một chính quyền hay một cấp lãnh đạo mà xa dân thì được gọi là quan liêu, không sớm thì muộn cũng bị nhân dân chê trách.
Một bài học khác rút ra từ câu chuyện này, như Bác dạy: “nếu làm việc gì cần phải bí mật, thì phải làm sao để không ai phát hiện được”. Việc cách mạng, việc công tác, ngay cả những việc sinh hoạt hằng ngày, có những chuyện cần phải giữ bí mật. Bí mật cao nhất là bí mật quốc gia, sau đó là bí mật trong nhiệm vụ được giao, rồi những bí mật mà nếu để lộ ra sẽ gây tác hại nghiêm trọng đến công việc, đến cuộc sống của người khác... Giữ bí mật, theo Bác, hoàn toàn khác với việc bưng bít thông tin, che đậy những việc xấu, ngại nói, ngại đấu tranh, ngậm miệng làm thinh để mặc cho sự thật bị bóp méo. Đây là bài học lớn mà mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi con người cần ý thức rõ trong công tác, trong cuộc sống.
Hai bài học trên rất ý nghĩa, rất cần thiết cho mỗi cán bộ, đảng viên. Mỗi người cần nhận thức rằng, học và làm theo Bác chẳng phải là những gì cao xa, mà chính là học từ tác phong, cách suy nghĩ, việc làm của Người trong mỗi công việc hằng ngày... để áp dụng trong chính công việc và cuộc sống của chúng ta.