Hiện nay, tham nhũng đang là vấn nạn, có xu hướng gia tăng và gây thiệt hại nặng nề về nhiều mặt, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, làm giảm niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên . Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách vừa khó khăn, phức tạp và lâu dài.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí là “giặc nội xâm” , là kẻ thù của nhân dân, Người nói “Tham ô là trộm cắp”. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi của Việt gian, mật thám. Chống tham ô, lãng phí và quan liêu như một “thứ giặc trong lòng”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”.
Người luôn nhấn mạnh phải nghiêm trị các hành vi tham ô, lãng phí theo quy định của pháp luật, không được nể nang người có chức vụ, địa vị, với mục đích bảo vệ công lý, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, răn đe, làm gương cho những người đang hoặc có ý định tham ô. Người chỉ thị “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kể kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Và câu chuyện “Diệt sâu mới cứu được cây” cho thấy sự nhất quán giữa lời nói và hành động của Người trong việc kiên quyết xử lý hành vi tham ô, lãng phí của cán bộ. Không chỉ kiên quyết trước cái xấu, Bác Hồ còn căn dặn “không được bắt luật pháp dành ưu tiên cho mình”.
Trong thư gửi những người dự Hội nghị tư pháp toàn quốc tháng 02 năm 1948, Bác căn dặn “Các bạn là người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương phụng công thủ pháp, chí công vô tư cho nhân dân noi theo”.
Năm 1950, Đại tá Trần Dụ Châu - Cục trưởng Cục Quân nhu bị phát hiện lợi dụng chức quyền tham ô ăn chơi, bị kết án tử hình. Trước ngày thi hành án, Trần Dụ Châu gửi đơn lên Bác xin được khoan hồng. Phút cuối, ông Trần Đăng Ninh đến gặp Bác Hồ xin ý kiến, Bác chỉ cho xem một cây xoan héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây sắp chết.
Ông Ninh trả lời: “Dạ, vì thân cây bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa!”.
Bác hỏi: “Thế theo chú muốn cứu cây thì phải làm gì?”.
Ông Ninh trả lời: “Dạ, phải bắt và giết hết những con sâu ấy đi ạ”.
Bác gật đầu: “Chú nói đúng đấy, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng vậy. Nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo”.
Sau một đêm trắng, Hồ Chủ Tịch ký bác đơn của Trần Dụ Châu và bản án được thi hành. Vụ án được đăng đầy đủ, công khai trên báo Cứu quốc (đăng bốn kỳ). Số báo này còn được chuyển vào vùng địch tạm chiếm và tới kiều bào ta ở nước ngoài.
Qua câu chuyện, giúp mỗi chúng ta rút ra bài học: Phải nghiêm khắc xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí; Phải công khai, minh bạch, không giấu giếm, bao che, né tránh trong xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí; Trách nhiệm của người đứng đầu phải công tâm, kiên quyết và đặt lợi ích, lòng tin của nhân dân trong việc xử lý tham nhũng, lãng phí.
Câu chuyện cũng là bài học về thái độ của người cán bộ, đảng viên đứng trước cái xấu, trái pháp luật phải kiên quyết lên án, loại trừ để xây dựng tổ chức Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, phục vụ nhân dân và làm cho dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng.