Trong giai đoạn hiện nay, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên, là nhiệm vụ hết sức quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên; đạo đức của Người luôn là bộ phận quan trọng của nền tảng tinh thần xã hội, là động lực - nguồn sức mạnh to lớn để chúng ta phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thử thách thực hiện thắng lợi nhiệm vụ.
Trong các câu chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn hàm chứa về tư tưởng lớn, tinh thần dũng cảm, lòng nhân ái bao la. Câu chuyện “Nước nóng, nước nguội” theo lời kể của tác giả Nguyễn Việt Hồng, lúc bấy giờ là những buổi đầu kháng chiến chống pháp, có một đồng chí cán bộ Trung đoàn thường hay quát mắng chiến sĩ. Đồng chí này đã từng làm giao thông bảo vệ Bác đi ra nước ngoài trước Cách mạng tháng Tám. Được tin Nhân dân phản ánh về đồng chí này, một hôm, Bác cho gọi lên Việt Bắc. Bác dặn trạm đón tiếp, dù đồng chí này có đến sớm, cũng giữa trưa mới cho đồng chí ấy vào gặp Bác.
Trời mùa hè, nắng chang chang, đi bộ đúng ngọ nên đồng chí Trung đoàn vã cả mồ hôi, người như bốc lửa. Đến nơi, Bác đã chờ sẵn. Trên bàn đặt hai cốc nước, một cốc nước sôi có ý chừng như vừa mới rót, bốc hơi nghi ngút, còn cốc kia là nước lạnh.
Sau khi chào hỏi xong, Bác chỉ vào cốc nước nóng nói:
- Chú uống đi.
Đồng chí cán bộ kêu lên:
- Trời! Nắng thế này mà Bác lại cho nước nóng làm sao cháu uống được.
Bác mỉm cười:
- À ra thế. Thế chú thích uống nước nguội, mát không?
- Dạ có ạ.
Bác nghiêm nét mặt nói:
- Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hòa nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn.
Hiểu ý Bác giáo dục, đồng chí cán bộ nhận lỗi, hứa sẽ sửa chữa.
Qua câu chuyện này, chúng ta thấy được sự quan tâm của Bác đến cách quản lý con người, một bài học về tâm lý và cách ứng xử sâu sắc. Khi giận dữ, chúng ta rất dễ mất kiểm soát bản thân mình, khi giận chúng ta có thể làm nhiều việc mà không suy nghĩ đến hậu quả của nó, hoặc đưa ra một số quyết định không mấy sáng suốt, nói ra những điều không nên… chỉ để thỏa mãn cơn giận. Tồi tệ hơn, vì cơn giận chúng ta có thể làm tổn thương đến những người xung quanh. Lưu lại trong ký ức của họ một hình ảnh không đẹp. Vì vậy, trong từng trường hợp hãy thật bình tĩnh, xử lý khéo léo tình huống để có được kết quả tốt nhất.
Lời dạy của Bác qua câu chuyện không hề xa xôi mà rất gần gũi, chân phương, nó xuất phát từ những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam trong thời đại mới. Đó là tình thương yêu con người, sống có nghĩa, có tình. Hồ Chí Minh coi yêu thương con người là phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Người viết: “Học chủ nghĩa Mác - Lênin là để sống với nhau có nghĩa, có tình. Nếu sống với nhau không có nghĩa, có tình thì làm sao coi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”.
Những câu chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có thể không sách vở nào ghi chép lại hết được, bởi vì toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Người gắn liền với tư tưởng và đạo đức sáng ngời. Mỗi lời nói, hành động của Người đều chứa đựng ý nghĩa, tư tưởng, đạo đức cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp của Người đều là tấm gương đạo đức cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta học tập suốt đời.