Học tập chính là hoạt động tiếp thu tri thức của mỗi con người, trong quá trình học tập thì cần kết hợp vừa học tập ở trường, ở lớp và vừa tự học. Tự học là quá trình lâu dài, tự học suốt đời, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, nỗ lực và để việc tự học đạt được thành công cần phải có kế hoạch, đồng thời phải kiên trì thực hiện đến cùng, không lùi bước trước mọi trở ngại.
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy Người là tấm gương sáng mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm cốt, làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt, Người quan niệm: “Tự học” là “tự động học tập”. Hồ Chí Minh giải thích: “Tự động là không phải tựa vào ai, là tự mình biết biến báo xoay xở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú”, còn “Tự động học tập” có nghĩa là việc học tập do chính bản thân người học quyết định, người học tự giác, tự chủ không cần sự nhắc nhở, giao nhiệm vụ của người khác, tự mình nhận thấy nhu cầu của bản thân để rồi từ đó tiến hành việc tự học. Bác quan niệm “học hỏi là vô cùng” và để có một trình độ hiểu biết uyên thâm thì nhất định phải tiến hành tự học, thông qua đó sự hiểu biết của người học ngày càng được nâng cao. Người còn cho rằng “học tập để phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm”.
Bác học mọi lúc, mọi nơi, trên hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Bác vừa lao động kiếm sống, vừa tự học, nhất là việc học ngoại ngữ. Bác đã kiên trì mỗi ngày học thuộc mười từ vựng, mỗi ngày - trước khi thức dậy, Bác viết những từ mới vào một mảnh giấy, dán vào chỗ hay nhìn thấy nhất, có khi viết lên cánh tay để khi vừa làm vừa nhẩm học, khi đi đường Bác cũng nhẩm bài học. Ban đêm khi chưa ngủ, Người lấy tay viết mò những chữ khó xuống chăn cho kỳ nhớ mới thôi. Bác học đến đâu, luyện tập và thực hành đến đó, học được chữ nào là tìm cách ghép câu để dùng ngay, cho nên sau một thời gian ngắn, Bác viết được báo và sách bằng tiếng nước ngoài, dần dần Bác đã học được rất nhiều ngoại ngữ. Đi tìm đường cứu nước Bác qua 28 nước, đi đến đâu Bác cũng học được tiếng nói nơi đấy, Bác viết và đọc thông thạo 8 thứ tiếng.
Trên thực tế, Bác không có nhiều thời gian học trường lớp chính quy về chính trị nhưng Bác là một nhà chính trị kiệt xuất, chưa từng học ở trường dạy viết báo nhưng Bác là một nhà báo thiên tài, thời gian ở Pháp, Bác viết bài báo nổi tiếng nhất là “Bản án chế độ thực dân Pháp” được đăng trên một tờ báo Quốc tế cộng sản viết bằng tiếng Pháp.
Quá trình tự học của Bác còn thể hiện qua tập thơ bằng chữ Hán “Nhật ký trong tù”. Một Nhà văn học người Liên Xô nhận xét: “Học chữ Hán cực khó, nắm vững nó, làm được thơ là một hiện tượng lạ, hiếm có. Trong lịch sử văn học có một số nhà thơ Nhật Bản gần như sống cả đời ở Trung Quốc cũng chỉ có thể làm được một số bài có tính chất khuôn sáo mà thôi. Ấy vậy mà “Nhật ký trong tù” thực sự là một thi phẩm có nội dung sâu sắc, ngôn từ, nhịp điệu phong cách rất riêng…”. Đối với Hồ Chí Minh, muốn tự học thành công phải có kế hoạch, phải sắp xếp thời gian học tập khoa học, phải bền bỉ kiên trì thực hiện kế hoạch đến cùng. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Sắp xếp thời gian và bài học... phải cho khéo, phải có mạch lạc với nhau, mà không xung đột với nhau”.
Theo Hồ Chí Minh, trước hết người học phải biết “học ở sách vở”, ngoài ra “…, có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hằng ngày. Đó là cách học tập ngay trong sản xuất, học tập những người, những tổ, những đơn vị tiên tiến”. Thứ nữa là học ở bạn bè, ở đồng nghiệp, “học lẫn nhau”. Học còn phải đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn là một nguyên tắc cơ bản theo quan điểm của Triết học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thành công lớn trong việc tự học của Hồ Chí Minh là nhờ tích lũy cho mình được vốn sống, kinh nghiệm phong phú trong thực tiễn đấu tranh, thực tiễn đời sống của nhân dân lao động thế giới. Sự thành công của Hồ Chí Minh trong việc tiếp thu và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, đề ra các chiến lược, sách lược đấu tranh cách mạng đúng đắn ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, là kết quả của cả một quá trình tự học bền bỉ, gian khổ trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng kiên cường. Người đã tổng kết những kinh nghiệm quý báu về tự học suốt đời và đã để lại cho chúng ta những bài học vô giá.
Những lời chỉ dẫn quý báu, những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ chính tấm gương tự học bền bỉ của Bác đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII ngày 30/10/2016 về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, Đảng ta đã nhận diện biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của người đảng viên là:“Lười học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Do vậy, là một đảng viên, tôi tự nhận thức rằng, học tập là yêu cầu bắt buộc đối với mình, theo đó khi tự học cần phải có sự kết hợp vừa học tập ở trường, ở lớp, vừa học hỏi ở lãnh đạo, đồng nghiệp và vừa tự nguyên cứu học tập. Cốt lõi của việc tự học là tự ý thức của bản thân, đồng thời trong quá trình tự học vấn đề quan trọng nhất là tự kiểm tra và đánh giá kết quả tự học. Bởi vì, nếu kiểm tra, đánh giá không đúng sẽ dẫn đến tình trạng ảo tưởng về năng lực hay tự ti, không tin tưởng vào khả năng tự học, tự nghiên cứu của mình. Cho nên, việc tự đánh giá còn giúp bản thân thấy rõ mặt ưu, khuyết điểm của mình, thấy rõ những nội dung cần phải bổ sung. Một lợi ích nữa từ việc tự học là giúp nhớ lâu kiến thức đã nghiên cứu học tập, còn giúp mình trở nên năng động, sáng tạo trong xử lý công việc và tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn, từ đó tiếp tục hoạt động tự học hiệu quả hơn.