Từ xưa đến nay, chữ “Tín” luôn là một yếu tố quan trọng của nhân cách. Tục ngữ Việt Nam ta có câu “Nói lời phải giữ lấy lời - Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”. Lòng tin bắt nguồn từ xã hội hướng tới cái thiện, chữ tín trở thành phạm trù đạo đức trong quan hệ ứng xử. Chúng ta phải thực hiện tốt lời mình đã hứa để hoàn thiện nhân cách.
Là con người ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm giương đạo đức nổi bật, một trong đó là đức tính giữ lời hứa. Qua mẩu chuyện sau đây, cho thấy dù Bác là một vị Chủ tịch nhưng một lời hứa đã nói ra dù mọi người xem đó chỉ là một chuyện rất nhỏ nhưng đối với Bác, Bác đã hứa là phải thực hiện, dù đó chỉ là lời hứa với một cô bé.
Hồi ở Pác Pó, Bác Hồ sống rất chan hòa với mọi người. Một hôm được tin Bác đi công tác xa, một trong những em bé thường ngày quấn quýt bên Bác chạy đến cầm tay Bác thưa: “Bác ơi, Bác đi công tác về nhớ mua cho cháu một chiếc vòng bạc nhé!”.
Bác cúi xuống nhìn em bé âu yếm, xoa đầu em khẽ nói: “Cháu ở nhà nhớ ngoan ngoãn, khi nào Bác về Bác sẽ mua tặng cháu”. Nói xong, Bác vẫy chào mọi người ra đi. Hơn hai năm sau Bác quay trở về, mọi người mừng rỡ ra đón Bác. Ai cũng vui mừng xúm xít hỏi thăm sức khỏe Bác, không một ai còn nhớ đến chuyện năm xưa. Bỗng Bác mở túi lấy ra một chiếc vòng bạc mới tinh trao tận tay em bé – bây giờ đã là một cô bé. Cô bé và mọi người cảm động đến rơi nước mắt. Bác nói: “Cháu nó nhờ mua tức là nó thích lắm, mình là người lớn đã hứa thì phải làm được, đó là "chữ tín". Chúng ta cần phải giữ trọn niềm tin với mọi người.”
Bác Hồ là người bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn luôn giữ lời hứa với mọi người, đặc biệt là với các em nhỏ. Chúng ta phải biết tôn trọng chữ tín bởi nó là nền tảng, hành vi đạo đức từ xưa đến nay. Từ một mẩu chuyện nhỏ về Bác nhưng đã cho chúng ta hôm nay một bài học về việc giữ lời hứa. Giữ lời hứa, giữ chữ “Tín” là phẩm chất cao quý trong đời sống xã hội cho nên việc bội tín không chỉ làm xấu bản thân mà con gây tác hại đối với người khác.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc giữ lời hứa trong việc đánh giá đạo đức, nhân cách của cán bộ, Đảng viên, Đảng ta đã cụ thể việc một người cán bộ, Đảng viên không giữ đúng lời hứa của mình thì đó là một trong những biểu hiện của sự suy thoái theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII): “…Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo;…”. Do đó, với vai trò là cán bộ, Đảng viên, nhất là chúng ta đang công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân, gánh trên vai là trách nhiệm to lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân tín nhiệm giao phó thì mỗi chúng ta phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện về chuyên môn và cả về đạo đức cách mạng. “Giữ lời hứa” là một trong những điều mà người cán bộ Kiểm sát phải luôn luôn ghi nhớ, thực hiện để xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. “Lời hứa” đó là phải thực hiện tốt lời Bác dạy cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, là lời tuyên thệ của Kiểm sát viên khi đưa thẳng cánh tay lên tuyên thệ. Là “lời hứa” nguyện phục vụ Nhân dân để xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của mọi người trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhằm góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.