Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa sâu sắc, đạo lý truyền thống bền vững nối tiếp qua nhiều thế hệ người Việt ta, là sự thể hiện lòng thành kính, biết ơn của các thế hệ con cháu với công đức của Tổ tiên trong dựng nước và giữ nước. Đồng thời đây là hoạt động tâm linh, cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thanh bình, thịnh vượng và mang ý nghĩa sâu xa về sự gắn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt, những người có chung một cội, cùng chung một nguồn.
Trải qua biết bao thăng trầm trong lịch sử dân tộc hàng nghìn năm, Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền, vun đắp qua bao thế hệ, như một điểm tựa tâm linh vững chắc, gắn kết tinh thần dân tộc Việt, là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc ta luôn đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, độc lập, trường tồn với “sông núi Nước Nam, Vua Nam ở” và gìn giữ thái bình, không ngừng hợp tác phát triển.
Những lần Bác Hồ về thăm Đền Hùng Bác đều có những lời căn dặn tiếp sức mạnh mẽ cho cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân sâu sắc. Người nhấn mạnh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. “Leo núi phải lên đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng, đã đi phải tới đích”.
Thành phố Cần Thơ có công trình Đền thờ các Vua Hùng đi vào hoạt động sau 2 năm xây dựng. Đây là điểm hội tụ tâm linh, tại vùng đất phương Nam, vùng đất "Chín Rồng" anh dũng quật cường. Đền thờ các Vua Hùng tại vùng đất phương Nam này sẽ là một điểm kết nối linh thiêng với Đền Hùng, đất Bắc, như mạch nguồn Nam-Bắc một nhà và trở thành điểm nhấn trung tâm tại khu vực, lan tỏa kết nối với mạng lưới các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, phục vụ du khách tham quan, chiêm bái, tưởng niệm. Ý nghĩa hơn hết đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân Cần Thơ như lời nhắc nhỡ căn dặn của Bác về trách nhiệm dựng xây đất nước phồn vinh hạnh phúc để gìn giữ những giá trị truyền thống dân tộc, gìn giữ những thành quả đấu tranh bảo vệ đất nước của dân tộc ta.
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TW ngày 15/05/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” Cán bộ, đảng viên trong toàn Ngành kiểm sát cần nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, về đạo đức cách mạng, về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; và đặc biệt là học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ đối với ngành Kiểm sát nhân dân: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Từ đó, mười chữ vàng mà Bác Hồ đã dạy ngành Kiểm sát nhân dân được coi là phương châm rèn luyện đối với từng cán bộ Kiểm sát. Đội ngũ cán bộ Kiểm sát qua nhiều thế hệ thấm nhuần sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc những lời dạy của Bác, đã góp phần xứng đáng vào việc xây dựng nền tư pháp nước nhà, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đội ngũ cán bộ Kiểm sát làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp thực sự là đạo quân luôn đứng vững trên tuyến đầu đấu tranh chống các loại tội phạm, bảo vệ pháp chế và trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Đảng viên Chi bộ 3, Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giai đoạn hiện nay.
Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải chịu khó, tích cực, hăng hái trong công việc, nhiệm vụ được giao. Tiết kiệm thời gian và các phương tiện phục vụ công tác để làm việc có hiệu quả cao nhất. Phải liêm khiết, gương mẫu trong công tác, ứng xử, hoạt động. Có thái độ chính trực, có chính kiến, bản lĩnh trong công việc.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc với tinh thần, thái độ công tâm, khách quan, vì lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, tập thể và Nhân dân, vì uy tín, danh dự của Đảng, Chính phủ, của cơ quan đơn vị, của bản thân mình; tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao, phải luôn phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, làm việc có nguyên tắc, kỷ cương.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tự rèn luyện kỹ năng, tự nghiên cứu học hỏi, trao đổi và tích lũy kinh nghiệm, thường xuyên cập nhật văn bản pháp luật, chịu khó nghiên cứu, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ công tác và nâng cao chất lượng công tác chuyên môn của mỗi cán bộ đảng viên.
Tự giác tự phê bình và phê bình với thái độ thẳng thắn, trung thực, trên tinh thần phê bình việc không phê bình người, chân thành, xây dựng, thái độ vô tư, khách quan; Phải tự kiểm tra, đánh giá lại kết quả công việc đã thực hiện đến đâu, với mức độ, kết quả như thế nào, có kết quả, sáng kiến gì để phát huy; những gì chưa làm được hay làm với kết quả chưa như mong muốn cần điều chỉnh; đề ra biện pháp khắc phục sửa chữa thiếu sót, hạn chế, khuyết điểm; đề xuất những vấn đề với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, chi bộ để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ, tháo gỡ hoặc tạo điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao. Tiếp thu ý kiến của đồng chí, đồng nghiệp, của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng, chi ủy... để phát huy mặt mạnh; khắc phục, sửa chữa, điều chỉnh mặt yếu còn tồn tại.