Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, vị lãnh tụ thiên tài, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta - là một mẫu mực về tinh thần làm việc trách nhiệm, hết lòng, hết sức cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta. Học tập những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, bản thân tâm đắc nhất nội dung “Lòng trách nhiệm và chí cầu tiến”, thể hiện định nghĩa “Lòng trách nhiệm” bằng những từ ngữ rất giản dị, dễ hiểu nhưng cũng rất đỗi bao la, rộng lớn của một vị lãnh tụ đã hy sinh cả cuộc đời lo cho dân, cho nước.
Để cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn về lòng trách nhiệm, về chí cầu tiến trong công tác là rất quan trọng, Chi bộ 6 thuộc Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ chọn nội dung “Lòng trách nhiệm và chí cầu tiến” tổ chức sinh hoạt tại chi bộ để cán bộ, đảng viên nghiên cứu học tập và làm theo.
Thứ nhất, nội dung tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh về “Lòng trách nhiệm và chí cầu tiến”
“Lòng trách nhiệm và chí cầu tiến là thế nào? - Trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, bất kỳ việc to, việc nhỏ đều trực tiếp hoặc gián tiếp phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Cho nên việc gì cũng quý, việc gì cũng cần. Công cuộc cách mạng là do nhiều việc nhỏ, nhiều bộ phận mà xây dựng nên. Nếu không có những việc nhỏ, những bộ phận nhỏ cộng lại, thì sẽ không thành việc lớn. Công việc xã hội cũng giống như cái đồng hồ, nếu thiếu 1 cái đinh nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến cả cái đồng hồ.
Vì vậy, khi chúng ta phụ trách một công việc gì, bất kỳ to nhỏ, chúng ta cũng phải luôn luôn nhớ đến việc đó quan hệ với cách mạng, ảnh hưởng đến cách mạng. Chúng ta phải đưa toàn tâm toàn lực cho thành công, làm trọn nhiệm vụ. Chỉ làm cho xong chuyện, làm qua loa, tức là có hại cho cách mạng, có hại đến nhân dân.
Tư tưởng ta thông như vậy, thì gặp việc gì chúng ta cũng cẩn thận, cố gắng, quyết tâm làm cho vượt mức. Thế là lòng trách nhiệm.
Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng phải ngày càng tiến. Chúng ta phải kháng chiến thắng lợi, phải thực hiện dân chủ mới, phải tiến đến chủ nghĩa xã hội, rồi tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái.
Chúng ta quyết tâm cầu tiến bộ, quyết tâm vượt khó khăn, thì dù công việc to lớn như cải tạo xã hội, cải tạo thiên nhiên, chúng ta cũng làm được. Người Liên Xô đã đổi rừng hoang làm thành phố, biến bãi cát thành ruộng vườn, cũng vì có chí cầu tiến không ngừng. Vì vậy, mỗi người chúng ta đều phải có lòng trách nhiệm và chí cầu tiến”.[1]
Nhận thức sâu sắc trách nhiệm, bổn phận của mình trước dân tộc, nhân dân và trước Đảng, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy cam go, thử thách, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người đã tự mình đi khắp năm châu, bốn biển khảo sát, nghiên cứu, lao động, học tập để tìm đường cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Mục đích của Người là tranh đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và vì hạnh phúc của nhân dân. Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Và cũng chính bởi mục đích, ham muốn tột bậc này, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, có lúc bị hiểu lầm hoặc phải “ẩn nấp nơi núi non, ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo”.
Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, từ thực tiễn đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời, dự báo được chiều hướng phát triển của tình hình, Người rất chú ý đến việc giáo dục ý thức, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong nhiều bài viết gửi các cấp chính quyền, Người yêu cầu xây dựng các cơ quan từ Chính phủ cho đến các làng, xã phải là “công bộc” của dân, Chính phủ phục vụ nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân thì phải hết sức tránh; phải đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết, phải chú ý giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân; đồng thời, nghiêm khắc phê phán, lên án những căn bệnh, như cậy thế, tư túng, óc bè phái, kiêu ngạo,… đang ngự trị trong đầu óc của không ít cán bộ, đảng viên lúc bấy giờ.
Về trách nhiệm của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đảng ta là Đảng lãnh đạo cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải là người đày tớ hết sức trung thành của nhân dân”.
Về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên: Theo Bác, trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình. Ai cũng có trách nhiệm bởi mỗi người đều có một vị trí nhất định trong các mối quan hệ xã hội, như gia đình, địa phương, tập thể, các tổ chức, công dân của một nước… Trong các mối quan hệ đó, trách nhiệm được hình thành trên cơ sở những quy định của luật pháp, quy chế, thỏa thuận của tập thể, tổ chức, địa phương… Trách nhiệm còn được hình thành do dư luận xã hội và bị chi phối bởi dư luận xã hội.
Về trách nhiệm của cán bộ Kiểm sát, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “cán bộ Kiểm sát phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
“Công minh” là tư tưởng chủ đạo trong hành động của người cán bộ kiểm sát, phải công bằng và sáng suốt, phép công phải thực hiện làm sao cho nó minh, để cho nó sáng.
“Chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” là bốn phẩm chất của người cán bộ làm công tác Kiểm sát. Với bản chất “chính trực” không sợ gì cả, không làm hại ai cả; “Khách quan” là không vì mình, gia đình mình, không vì bạn bè, không bị ảnh hưởng bởi việc này, việc kia, xử lý vấn đề khách quan là xử lý phải có lý, có tình; “thận trọng” nghĩa là trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ phải xem xét, suy nghĩ, cẩn thận, không để sai sót trong mọi việc; “khiêm tốn” là thái độ ứng xử, trong công việc và trong cuộc sống đời thường, phải tự đánh giá đúng bản thân, không tự mãn, tự kiêu, phải đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, là công bộc của nhân dân.
Thứ hai, phần liên hệ về “Lòng trách nhiệm và chí cầu tiến” của cán bộ, đảng viên trong Chi bộ
Chi bộ 6 thuộc Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ cơ cấu tổ chức gồm 02 đơn vị là Phòng kiểm sát thi hành án dân sự, Phòng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự và 01 đồng chí là Thành ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát sinh hoạt tại chi bộ.
Trong thời gian qua, Chi bộ luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn. Các đồng chí trong Chi ủy đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chú trọng công tác phổ biến, quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, đặc biệt là việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với ngành Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” và cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.
Cán bộ, đảng viên trong chi bộ luôn có tinh thần trách nhiệm trong công việc với chí cầu tiến không ngừng, luôn giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và chấp hành theo sự phân công của tổ chức, gắn bó với nhân dân, góp phần hoàn thành kế hoạch chung của đơn vị vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong thời kỳ hội nhập nền kinh tế của đất nước.
Ngay từ đầu năm, có 10/10 cán bộ, đảng viên làm bản cam kết tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện về tư tưởng chính trị; về phẩm chất đạo đức, lối sống; về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; về tổ chức kỷ luật; về khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm thời gian qua; về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng và đã quyết tâm thực hiện cam kết bản thân đề ra.
Trong công việc hàng ngày, từng cán bộ đảng viên luôn thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật và các quy chế nghiệp vụ của ngành về trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức. Chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan. Giải quyết công việc một cách nhanh chóng, kịp thời và chính xác, đảm bảo tính khách quan, vô tư. Không lợi dụng ảnh hưởng của mình để can thiệp, tác động trái pháp luật đến người có trách nhiệm giải quyết vụ, việc. Phục tùng và chấp hành sự chỉ đạo của lãnh đạo, phát huy được tinh thần tự chủ, phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp, các cơ quan liên quan để thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả, dám chịu trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ. Nghiêm túc thực hiện chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu trong thi hành nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
Về chí cầu tiến, thể hiện rõ nhất ở nhiều cán bộ, đảng viên trong chi bộ đã rất tích cực trong giải quyết công việc được phân công “hết việc chứ không hết giờ”, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn[2], trình độ lý luận chính trị[3], tự học tập, nghiên cứu văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn thi hành và các thông báo rút kinh nghiệm của cấp trên để vận dụng vào thực tiễn quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công, vào việc thi tuyển chọn bổ nhiệm Kiểm sát viên, Kiểm tra viên chính[4].
Kết quả hàng năm, tập thể và cá nhân chi bộ đều đạt từ hoàn thành đến hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn[5].
Bên cạnh mặt thành tích đạt được, cán bộ, đảng viên cần tránh, khắc phục những vấn đề sau:
- Về nhận thức “công tác kiểm sát về thi hành án là không quan trọng bằng các khâu công tác như kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử”, từ đó sẽ làm ảnh hưởng đến trách nhiệm và chí cầu tiến của bản thân cán bộ, đảng viên.
- Trong thực hiện công tác chuyên môn, việc cán bộ, đảng viên còn chưa có sự cố gắng nhiều, chưa đảm bảo giờ hành chính, chưa làm hết trách nhiệm tham mưu và nhiệm vụ được giao, chưa sáng kiến, sáng tạo và khoa học, còn nêu lý do mới được điều động nhận nhiệm vụ nên công việc còn mới, chưa thể phát hiện nhiều vi phạm là chưa phù hợp.
- Công tác tham mưu, báo cáo đề xuất, dự thảo văn bản, còn tư duy lối mòn dựa vào văn bản cũ, mà không xem xét kỹ lưỡng để viết cho đúng, phù hợp thực tế. Có văn bản không còn hiệu lực đã được thay thế bằng văn bản mới, hoặc thời điểm hiện tại cái sai phạm nêu trong văn bản cũ không còn nhưng người viết vẫn giữ nguyên mà không được điều chỉnh lại; hoặc Bản dự thảo văn bản chưa hoàn chỉnh, không số liệu, nội dung còn nhiều chỗ để “…”, bỏ trống lấp lửng; hoặc Bản dự thảo văn bản còn sai sót rất nhiều lỗi chính tả, trùng lắp do cắt dán,… đã chuyển trình lãnh đạo để ký ban hành, như vậy là chưa làm hết trách nhiệm được phân công.
- Thực hiện kiểm sát hồ sơ thi hành án, phát hiện rất nhiều vi phạm, song thời gian qua số lượng báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện xem xét để thực hiện quyền năng ban hành yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm là còn ít.
- Học nâng cao trình độ: Trong điều kiện hiện nay kinh tế ngày càng phát triển, song việc học tập để nâng cao trình độ ngoại ngữ, trình độ tin học, trình độ sau Đại học vẫn chưa nhiều. Nhất là các đồng chí trẻ tuổi còn nhiều cơ hội phát triển để cống hiến cho Dân tộc, cho Nhân dân.
Những tồn tại trên một phần do tác động của nền kinh tế thị trường, tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu nhất là do bản thân mỗi cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò, nền tảng của đạo đức Hồ Chí Minh về Lòng trách nhiệm và chí cầu tiến.
Thứ ba, một số giải pháp học tập Tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh về “Lòng trách nhiệm và chí cầu tiến”:
- Mỗi cán bộ, đảng viên cần học tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh về “Lòng trách nhiệm và chí cầu tiến” được in trong quyển Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.7, tr.259-260, để có nhận thức đúng đắn hơn về công việc được phân công, từ đó nâng cao lòng trách nhiệm và chí cầu tiến không ngừng của bản thân.
- Cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm với công việc. Học và làm theo Bác không phải là bằng những điều cao siêu, to lớn, mà cần bắt đầu từ những lời nói, việc làm, bằng thái độ, cách ứng xử trong xử lý và giải quyết công việc hằng ngày. Đó là sự tự ý thức về trách nhiệm của mình trong công việc chung, làm việc cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ ở cương vị công tác. Mỗi người cần thấm nhuần, khắc sâu lời Bác dạy: Cán bộ, đảng viên “là người đày tớ trung thành và tận tụy của nhân dân”; “phục vụ nhân dân là phục tùng chân lý”; “làm công bộc cho dân là một việc làm cao thượng”.
- Làm việc phải cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng điểm và nắm điển hình: Người yêu cầu người cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ; phải lãnh đạo toàn diện và cụ thể, phải cẩn thận mà nhanh nhẹn, kịp thời, làm đến nơi đến chốn. Hồ Chí Minh phê phán căn bệnh “hữu danh vô thực” ở không ít cán bộ, đảng viên: “Làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít, suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch… Thế là không làm tròn nhiệm vụ của mình. Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một bệnh rất nguy hiểm”.
- Học tập và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ. Trong một xã hội vận động và biến đổi nhanh chóng, đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới đã và đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi rất cao về năng lực, chuyên môn, phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị đối với mỗi người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Do vậy, để tránh tụt hậu, đáp ứng được yêu cầu của công việc, tiến tới có đủ năng lực làm việc được trong môi trường quốc tế, không có cách nào khác, mỗi người cần có tinh thần cầu thị, không ngừng cố gắng, nỗ lực học tập, rèn luyện để tự hoàn thiện bản thân, ngày càng tiến bộ. Phải coi việc tự học tập, rèn luyện là nhiệm vụ tự thân, là chế độ, quy định bắt buộc để tiến bộ và phát triển. Từ đó, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta sẽ luôn phát triển, tiến lên không ngừng.
- Tăng cường công tác phối hợp với các ngành, các cấp, kịp thời nắm bắt các vụ việc khó khăn, vướng mắc họp bàn tháo gỡ nhằm đem lại hiệu quả cao trong công tác. Việc thực hiện phối hợp luôn đảm bảo được tính chế ước, đảm bảo được vai trò kiểm sát, giữ nguyên tắc phối hợp nhưng có sự chia sẻ và làm sao để góp phần đưa công tác thi hành án dân sự ngày càng đạt hiệu quả hơn.
Tóm lại, Với trách nhiệm là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, là “công bộc của dân”, trước hết hãy sống và làm việc có trách nhiệm và chí cầu tiến không ngừng. Bên cạnh trách nhiệm với cơ quan, tổ chức, mỗi người đều là công dân của một quốc gia, dân tộc, do vậy, phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp, xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Đối với người cán bộ, đảng viên, yêu cầu, đòi hỏi về tinh thần trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ còn cao hơn nhiều. Cùng với trách nhiệm, nghĩa vụ với tư cách là công dân, người cán bộ, đảng viên còn phải tiên phong, gương mẫu đi đầu về tinh thần, thái độ, trách nhiệm với công việc, trong rèn luyện và thực hành đạo đức, lối sống, nêu gương, cũng như tuân thủ nghiêm Điều lệ Đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm,…
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.7, tr.259-260).
[2] Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ 02, đại học 08.
[3] Trình độ Lý luận chính trị: Đại học 01, cao cấp 03, trung cấp 03.
[4] Năm 2020: tại chi bộ được bổ nhiệm 01 Kiểm sát viên, 01 Kiểm tra viên chính.
[5] Năm 2017, 2019, 2020 Phòng 11 đạt danh hiệu Tập thể dẫn đầu phong trào thi đua khối; Năm 2019 Tập thể Phòng 11 được khen tặng đột xuất.