Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật có nhiều nét đặc sắc, trong bài viết này tác giả xin nêu một nét đặc sắc trong tư tưởng của Bác về sự kết hợp giữa đức trị và pháp trị.
Theo Người, pháp luật và đạo đức có quan hệ khắng khít với nhau. Pháp luật và đạo đức đều là những công cụ quan trọng trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Các nguyên tắc đạo đức tiến bộ đều không trái với pháp luật. Đạo đức và pháp luật trong mối quan hệ đan xen cùng tác động tích cực lên hành vi của con người. Trong lịch sử các nhà nước phong kiến đã sử dụng đạo đức và pháp luật để quản lý xã hội một cách có hiệu quả và ở một số quốc gia, đạo đức đã trở thành giá trị truyền thống của dân tộc.
Đạo đức là một trong những vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Trước hết, là một người sinh ra và lớn lên trong một môi trường “chân Nho”, Hồ Chí Minh không thể không chịu ảnh hưởng của Nho giáo nói chung và tư tưởng đức trị (nhân trị) của Khổng Tử nói riêng. Khổng Tử có một câu nói nổi tiếng về xử kiện là: “thính tụng ngô do nhân dã, tất dã sử vô tụng hồ” (xử kiện thì ta cũng như người khác nhưng làm sao cho khỏi phải xử kiện mới hơn). Mấy nghìn năm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một câu nói tương tự tại một hội nghị tư pháp và được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đó là: “Xét xử đúng là tốt nhưng không phải xét xử thì càng tốt hơn”.
Nhìn lại quá trình phát triển của khoa học lý luận về Nhà nước và pháp luật, đã từng có một số quan điểm cho rằng, bản thân pháp luật là những chế tài nghiêm khắc. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm về vấn đề này hoàn toàn khác. Người không ủng hộ quan điểm coi pháp luật như một công cụ cai trị, mà theo Người, “pháp luật của ta hiện nay là để bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động”. Người đặt ra yêu cầu đối với cán bộ làm công tác xét xử không được lấy sự hà khắc làm đầu, mà “phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung tòa án. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân… Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Chính phủ…”. Gần dân, hiểu dân, học dân để có cái nhìn nhân ái; giúp dân để dân hiểu, làm theo luật; luôn cố gắng học tập để có những quyết định sáng suốt, tránh làm oan, làm sai cho nhân dân. Làm cho dân hiểu luật không phải chỉ bằng xử phạt nặng, khiến dân “đau” mà nhớ lâu. Giả sử phải xét xử những ai vi phạm pháp luật, thì cần có thái độ công bằng, liêm khiết, trong sạch.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, pháp luật, đạo đức đều là những yếu tố do con người tạo ra để duy trì trật tự xã hội, và để phục vụ cho cuộc sống : “Vì lẽ sinh tồn, cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, tôn giáo…”. Cái cốt lõi ở đây là tư tưởng kết hợp pháp trị với đức trị được thể hiện giản dị, ngắn gọn nhưng đầy tính biện chứng và thuyết phục. Về vấn đề này, ông Vũ Đình Hòe - một người được gần gũi với Bác từ những ngày đầu xây dựng Nhà nước kiểu mới đã có nhận định: trong tư tưởng của Người, “trong cái nhất thể “đạo đức - pháp luật”, xét về cội nguồn thì Thiện, Đức có trước và là gốc của Lệ, Luật; mà xét về công dụng đối với đời sống xã hội thì: Đạo đức gây men sống, còn pháp luật (…) chỉ đạo hành động con người và bảo đảm cho hành động ấy có hiệu quả đối với xã hội”.
Là người theo lập trường Mácxít về Nhà nước và pháp luật, hiển nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh phải đề cao pháp trị. Tư tưởng và hành động của Người đã chứng minh điều ấy, ví dụ như vụ y án tử hình Trần Dụ Châu (nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu). Nhưng là một người Á Đông vốn thấu hiểu bản chất và những giới hạn vốn có của pháp trị cũng như thấu hiểu sự trường tồn và vai trò của đức trị nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không tuyệt đối hoá một trong hai phương pháp trị nước ấy. Theo đó, câu nói “xét xử đúng là tốt nhưng không phải xét xử thì càng tốt hơn” của Người cần được hiểu là: việc xét xử phải lấy sự đúng đắn (nghiêm minh, công bằng) làm mục tiêu lớn nhất và tạo tiền đề cho việc không phải xét xử ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, “không phải xét xử” thì không có nghĩa là không còn xét xử mà chính là phòng ngừa để không phải xét xử hoặc sử dụng những phương pháp, hình thức khác để giải quyết vấn đề có hiệu quả mà không cần tới xét xử. Để đạt được mục tiêu ấy, dĩ nhiên, sự tự ý thức của cá nhân, đạo đức và những quy phạm xã hội khác (phong tục, tập quán, luật tục…) sẽ có một vai trò đặc biệt quan trọng. Đó là những công cụ hỗ trợ và thay thế pháp luật trong nhiều trường hợp.
Để học tập và làm theo tư tưởng của Bác, ngày nay đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, nhất là trong đấu tranh, phòng ngừa vi phạm và tội phạm, tác giả xin nêu một số giải pháp như sau:
- Một là, phải xử lý đúng đắn, nghiêm minh vi phạm và tội phạm trên cơ sở áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân, động cơ, mục đích,.v.v.
- Hai là, mạnh dạn vận dụng linh hoạt những quy định của pháp luật cho phép áp dụng thể hiện tính nhân văn, khoan hồng của pháp luật trong xử lý tội phạm và vi phạm.
- Ba là, tăng cường công tác hòa giải, công tác phòng ngừa vi phạm và tội phạm từ sớm, từ xa, hạn chế các nguy cơ phát sinh tội phạm để “không phải xét xử” theo tư tưởng của Bác.