Nêu gương là hành động cụ thể, thiết thực để tạo ra sự lan tỏa, truyền cảm hứng và thúc đẩy những hành động của tốt đẹp cho người khác. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt hơn ở Bác ta thấy rằng Bác không chỉ đưa ra những tư tưởng đúng đắn mà Bác còn chính là hiện thân tốt đẹp nhất, hoàn chỉnh, sáng ngời nhất về trách nhiệm nêu gương của một người cán bộ, đảng viên trước Đảng, trước Nhà nước và trước Nhân dân một cách kiên trì và bền bỉ xuyên suốt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
Bác chỉ rõ: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Bác khẳng định “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” do vậy, cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm tự rèn luyện, tự tu dưỡng và phải có trách nhiệm nêu gương không chỉ trong công tác, lối sống mà còn phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo. Bác dạy cán bộ, đảng viên không cần nói nhiều mà phải làm nhiều, cán bộ tốt, đảng viên tốt là những người muốn làm việc to chứ không phải muốn làm quan to. Bác đã chỉ ró phương pháp để dẫn dắt, truyền cảm hứng cho người khác để thể hiện sự nêu gương:
- Một là, “Nói đi đôi với làm” đây chính là sự biểu hiện sinh động nhất, cụ thể nhất giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng và hành vi của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt Bác còn chú trọng việc nêu gương phải thể hiện trên cả hai mặt là “nêu gương nói” và “nêu gương làm”. “Nêu gương nói” chính là nói ít đi nhưng nói đâu trúng đó, nói có trọng tâm trọng điểm, chỉ nói việc thiết thực, nói thật tâm, không nói một đàng làm một nẻo, nói được nhưng không làm được. “Nêu gương nói” còn là nêu gương về sự nghiên cứu thấu đáo, nắm vững tình hình vừa để có cách nói hay, chuẩn mực, đúng và phù hợp nhất trong mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp. Còn về “Nêu gương làm” chính là làm một cách tận tâm, tận lực, không chỉ làm cho đến nơi đến chốn mà còn phải cố gắng làm cho thành công dù việc khó hay việc dễ, dù việc nhỏ hay việc to. Đồng thời, khi làm cần tránh thói xấu như làm cẩu thả, làm cho có, việc dễ thì làm, việc khó thì tránh, ... là không có tinh thần trách nhiệm, không có ý thức nêu gương.
- Hai là, “Lấy gương người tốt việc tốt” từ gương người tốt việc tốt để giáo dục lẫn nhau, xây dựng con người mới, xây dựng cuộc sống mới trên nền tảng tư tưởng tốt đẹp. Cán bộ, đảng viên phải năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tích cực giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, kịp thời và chủ động xử lý công việc một cách có hiệu quả nhất là trong các tình huống khẩn cấp và đột xuất.