Phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội sinh viên Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay.
Trong những năm 1949 - 1950, phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên các đô thị diễn ra liên tục, rầm rộ và rộng khắp, tiêu biểu nhất là ở Sài Gòn - Gia Định. Trong giai đoạn 1925-1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, các tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước lần lượt ra đời, như: tổ chức Học sinh Đoàn, Đội Ngô Quyền, Tổng Hội Sinh viên đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Từ năm 1947 đến 1949, ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Ngày 09/01/1950, Đoàn thanh niên Cứu Quốc và Đoàn học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn đã tổ chức vận động trên 10.000 nhân dân, trong đó đông đảo nhất là học sinh, sinh viên xuống đường. Trần Văn Ơn - người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của học sinh, sinh viên, sau khi đã dũng cảm hứng chịu những xô đẩy và dùi cui để che chở cho các em học sinh nhỏ tuổi hơn, anh đã bị trúng đạn. Anh hy sinh vào lúc 15 giờ 30 phút chiều ngày 09/01/1950 khi chưa tròn 19 tuổi. Cái chết của anh đã gây tiếng vang lớn, có tác động rộng khắp trong phong trào đấu tranh của dân chúng Sài Gòn sau đó. Trong Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09/01 hàng năm là Ngày truyền thống học sinh - sinh viên.
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hàng năm làm ngày truyền thống học sinh - sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22-23/11/1993) tại thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9/1 làm ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.
Nhằm thống nhất lực lượng, phương hướng và giải pháp đẩy mạnh phong trào SV và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, năm 1955, Đại hội thành lập đã quyết định lấy tên của tổ chức sinh viên là ”Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam”. Qua 8 kỳ đại hội, đến nay, Hội chính thức lấy tên là Hội Sinh viên Việt Nam.
Trải qua 72 năm xây dựng và phát triển, tiếp nối truyền thống anh hùng vẻ vang của Đồng chí Trần Văn Ơn, nhìn lại quá trình phát triển của phong trào học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam, chúng ta tự hào: trong bất kỳ hoàn cảnh nào, học sinh, sinh viên Việt Nam luôn kế tục và phát huy những truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh, được Đảng và Nhà nước dày công bồi dưỡng./.