1. Sự ra đời của Quốc hội và cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước
Ngay sau khi cách mạng Tháng 8 thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên bố với quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Việt Nam đã thành một nước độc lập, tự do. Chính phủ lâm thời mới thành lập là cơ quan điều hành nhà nước cao nhất giữ trọng trách lịch sử chỉ đạo toàn dân thực thi các nhiệm vụ cấp bách về nội trị, ngoại giao, về quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội đợi đến ngày bầu Quốc hội để cử ra một Chính phủ chính thức, hợp pháp, hợp hiến.
Ngày 03/9/1945, Chính phủ lâm thời tổ chức phiên họp đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu...” để bầu ra Quốc hội. Quốc hội - cơ quan có quyền lực tối cao của Nhân dân sẽ cử ra một Chính phủ thật sự của toàn dân và ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ.
Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Hồ chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 14-SL ngày 08/9/1945 quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội và Sắc lệnh số 51-SL ngày 17/10/1945 quy định Thể lệ cuộc Tổng tuyển cử. Người giải thích rõ trên báo Cứu Quốc ngày 30/12/1945 về nguyên tắc tự do bầu cử: "... hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giầu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó".
Ngày 05/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Toàn văn như sau: "Ngày mai mồng 6 tháng giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa Quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình. Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: về mắt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn. Ngày mai, Quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ; Kiên quyết chống bọn thực dân; Kiên quyết tranh quyền độc lập. Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước. Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử. Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà. Vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc. Người không trúng cử cũng không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân, thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó. ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cứ gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc dân nhất định cử ta. Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hướng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do".
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, bằng cả ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được, và bằng cả niềm vui sướng cao độ háo hức chuẩn bị chờ đợi bấy lâu nay, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn cho ngày lịch sử vĩ đại - ngày 06/01/1946: toàn dân đi bỏ phiếu!
Theo những số liệu được công bố ngày hôm đó, một cuộc phổ thông đầu phiếu diễn ra trên cả nước đã bầu chọn 333 đại biểu Quốc hội đại diện cho nhiều địa phương, đảng phái chính trị, tầng lớp xã hội. trong đó: Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).
Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 06/01/1946. Ảnh: Tư liệu
2. Ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiền
- Đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới của đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
- Khẳng định đường lối, chủ trương của Đảng ta đúng đắn, sáng tạo, thể hiện khát vọng được độc lập, tự do của Nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của Nhân dân ta. Đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của Nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là: “...kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.
- Là sự khởi đầu tốt đẹp của Quốc hội nước ta - một trụ cột vững chắc trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Qua 77 năm trưởng thành, với 15 cuộc bầu cử,Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng “là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng nhất của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.
- Là một mốc son sáng chói đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam. Đã mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có Quốc hội, có Chính phủ thống nhất, có một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế về đối nội và đối ngoại.