Bác nói: Đạo đức cách mạng giúp cho con người vững vàng trong mọi thử thách, có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không rụt rè, lùi bước; khi gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ vững tinh thần, chất phác, khiêm tốn; luôn luôn “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Đối với cán bộ ngành KSND, bên cạnh những yêu cầu về đạo đức cách mạng của người cán bộ, Bác còn dạy rằng cán bộ Kiểm sát phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đây chính là chuẩn mực đạo đức cách mạng để mỗi cán bộ, đảng viên trong ngành KSND phấn đấu rèn luyện, coi đó là định hướng giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ về chính trị tư tưởng và về nghiệp vụ công tác Kiểm sát.
Bác muốn người cán bộ Kiểm sát phải công minh, nghĩa là phải công bằng và sáng suốt không chỉ trong công việc mà còn trong cả cuộc sống. Làm cán bộ Kiểm sát, với trách nhiệm giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội, bảo vệ pháp luật công tâm khi thực hiện nhiệm vụ, không thể vì những lợi ích vật chất tầm thường, vì lợi ích cá nhân mà làm trái pháp luật, trái với công bằng gây ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của pháp luật cũng hình ảnh của người đảng viên, cán bộ Kiểm sát. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp phải theo đúng lẽ phải, không thiên vị, nhận thức rõ ràng và giải quyết các vấn đề một cách đúng đắn theo hướng dẫn của pháp luật, không sai lầm.
Bác còn dạy người cán bộ Kiểm sát, không chỉ công minh mà còn phải chính trực trong công việc. Có thể hiệu, phẩm chất chính trực đòi hỏi người đảng viên, cán bộ Kiểm sát trong công việc của mình phải bản lĩnh, ngay thẳng, chân thành, làm việc đúng theo lẽ phải, không gian dối, hay nói cách khác đó là sự trung thực gắn liền với đạo đức. Mỗi người cán bộ Kiểm sát khi giao nhiệm vụ thì quyết tâm thực hiện, “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác dù nhỏ mấy cũng phải trách”. Trong công việc người, cán bộ Kiểm sát phải nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để qua đó vận dụng một cách linh hoạt nhưng cũng phải có căn cứ giữa pháp luật với chính sách trong từng trường hợp. Mọi hành vi của cán bộ, Kiểm sát viên phải xuất phát từ quy định của pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật, bảo đảm việc xử lý đúng người, đúng tội, không được làn oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cũng phải chống chủ nghĩa cá nhân, không nể nang người thân thích; không vì lợi ích cá nhân mà né tránh, không dám thẳng thắn đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích của tập thể, không vì tư thù mà xử lý sai đối với người dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, phê bình những biểu hiện sai trái của mình. Người cán bộ Kiểm sát công minh, chính trực luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, có thái độ quyết đoán khi giải quyết công việc, không do dự và dám chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
Nhằm để bảo đảm sự công minh, chính trực, Bác Hồ đã yêu cầu người cán bộ Kiểm sát có phương pháp làm việc khách quan. Tính khách quan của người cán bộ Kiểm sát được biểu hiện ở chỗ: Khi giải quyết công việc, phải xuất phát từ thực tế, phải có cái nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện dựa trên lý luận và pháp lý, đảm bảo các vấn đề thể hiện thực tế một cách trung thực, không suy diễn, không xuyên tạc, bóp méo sự thật; tránh nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chủ quan, mang tính chất cá nhân mà quyên đi mối quan hệ của sự việc với tổng hòa các mối quan hệ khác. Mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải xác định đi sâu tìm hiểu, phân tích, làm rõ bản chất của sự việc, dựa vào những cơ sở lý luận khoa học, cơ sở thực tế để đưa ra ý kiến tham mưu cho Lãnh đạo Viện một cách toàn diện, có căn cứ.
Bác yêu cầu người cán bộ Kiểm sát phải có đức tính thận trọng, nghĩa là khi giải quyết các vụ việc cụ thể phải cân nhắc, tính toán cẩn thận, đánh giá sự việc một cách toàn diện, không để xảy ra sai sót khi đưa ra quyết định giải quyết. Ở một khía cạnh nào đó, có thể thấy rằng sự thận trọng chính là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật của người đảng viên, cán bộ Kiểm sát. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trên các lĩnh vực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, người cán bộ Kiểm sát phải đi sâu nghiên cứu, từng bước đánh giá, phân tích mội tình tiết, hoàn cảnh của sự việc thực tế xảy ra, tránh bỏ lọt các tình tiết dù chỉ là nhỏ nhất mà từ đó có thể xảy ra việc hiểu sai, đáng giá sai về bản chất của sự việc. Từ đó, trên cơ sở kết quả đánh giá, tiếp tục đối chiếu với quy định của pháp luật, nghiêm minh và kịp thời. Tính thận trọng cũng có ý nghĩa rằng người cán bộ Kiểm sát phải không được qua loa, đại khái, xem xét đánh giá sự việc một cách hờ hợt, thoáng qua. Tuy nhiên, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần hiểu rằng thận trọng không đồng nghĩa với do dự hay thiếu quyết đoán; và quyết đoán cũng không được chủ quan. Giải quyết sự việc với “cái đầu nóng” mà làm thiếu đi tính chính xác. Một vụ án dù đã được xem xét, đánh giá một cách công bằng, toàn diện nhưng không thận trọng thì cũng dẫn đến việc làm oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm.
Cuối cùng. Bác Hồ yêu cầu người cán bộ Kiểm sát có tác phong khiêm tốn. Sự khiêm tốn của người cán bộ Kiểm sát là một thái độ sống tích cực, có ý thức và thái độ đúng mực trong việc nhìn nhận, đánh giá bản thân, sao cho không đánh giá mình cao hơn mà coi thường người khác; không tự thỏa mãn mà dừng phấn đấu, học tập để tiếp tục vưng lên. Có khiêm tốn thì mới biết tôn trọng bản thân, phân biệt rõ được sự khen chê, mà rút kinh nghiệm để tích cực học hỏi, phấn đấu rèn luyện bản thân tốt hơn. Thái độ khiêm tốn thể hiện qua từng lời nói, hành động và cử chỉ một cách thật tâm đối với mọi người. Công tác đấu tranh, phòng chóng tội phạm và vi phạm pháp luật là công việc khó khăn, mà ở đó có sự khiêm tốn thì mới có được kết quả tốt nhất, mới có được sự ghi nhận của Nhân dân. Không vì thành tích, kết quả đã đạt được dẫn đến coi thường người khác, thể hiện sự quan liêu trong công việc cũng như mối quan hệ công tác. Có thể nói, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm không phải chỉ là nhiệm vụ của ngành Kiểm sát mà đó còn là nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp, của toàn đảng, toàn dân. Có khiêm tốn mới có thể có được sự phối hợp giữa các cơ quan tố tụng, sự gắn bó mật thiết giữa người cán bộ kiểm sát với nhân dân để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ mà toàn đảng, toàn dân giao cho ngành Kiểm sát.
Những đức tính của người cán bộ Kiểm sát mà Bác Hồ đã dạy chúng ta có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo thành một thể thống nhất, đó chính là “đạo đức cách mạng” của người cán bộ Kiểm sát. Thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ, người cán bộ Kiểm sát sẽ rèn được phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong, phương pháp làm việc khoa học để hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của mình./.