Một cán bộ cấp cao dự lớp Chỉnh Đảng Trung ương khoá 1, năm 1952 tại Việt Bắc, nói với chúng tôi:
“Bây giờ xem Tây Du Ký hay, đẹp thật đấy nhưng mình vẫn nhớ mãi câu chuyện "ngoài" Tây Du Ký hay nhất mà mình được Bác Hồ dạy.
Năm ấy, Bác đến lớp. Bác nói: "các cô, các chú (bao giờ Bác cũng gọi các cô trước, đồng bào, chiến sĩ trước) học đã căng thẳng, nên Bác đề nghị tối nay nghỉ học để Bác cháu ta nói chuyện vui".
Cả lớp vỗ tay hoan hô, không khí lớp học sôi nổi hẳn lên.
Bác hỏi: "Trong các chú ở đây, ai đã đọc Tây Du Ký?". Nhiều cánh tay giơ lên. Bác nhìn thấy ông Tôn Quang Phiệt là nhà hoạt động cách mạng, người đã tham ra sáng lập Đảng Tân Việt, bấy giờ là tổng thư ký Uỷ ban Thường trực Quốc hội, Bác mời ông Phiệt, đồng hương Nghệ An lên kể chuyện, nhưng yêu cầu chỉ được nói trong 15 phút.
Ông Phiệt mới "đi" được vài đoạn đã hết giờ, đành thú thực "kể vắn tắt khó lắm" và ông Phiệt "trêu" lại Bác: "Xin mời Bác".
Bác cười, "thông cảm" rồi kể: "Từ khi loài người có đầu óc tư hữu thì sinh ra nhiều thói hư, tật xấu. Đường Tăng là một vị chân tu, bản chất tốt, có lòng nhân hậu, có tính khoan dung. Ông ta muốn chống áp bức, nhưng không có đường lối cách mạng dẫn đường. Tin vào sức mạnh cảm hoá của đạo Phật, nên ông tình nguyện đi lấy Kinh Phật để truyền bá. Sau 14 năm trời, tức là qua 5.048 ngày đêm, thầy trò Đường Tăng vượt 18 vạn 8 ngàn dặm đường, chịu đựng 81 tai ương để lấy được 55 bộ kinh gồm 5.048 quyển. Đó là pho truyện dài, đấu tranh giữa thiện và ác, chính nghĩa và phi nghĩa. Còn có thể tìm thấy ở Tây Du Ký nhiều vấn đề bổ ích nữa. Đường Tăng là một người có lập trường kiên định, có bản lĩnh, tạo được cái "bất biến" để đối phó với cái "vạn biến".
Còn Tôn Ngộ Không vì không tu thành đạo được nên vẫn còn cái đuôi. Khi Tôn Ngộ Không biến thành cái đình thì cái đuôi ở sau phải hoá phép làm cái cột cờ. Bọn ma vương thấy lạ, tại sao cột cờ ở phía sau đình, phát hiện ra cái đuôi của Tề Thiên Đại Thánh nên không bị mắc lừa, không vào đình nữa, nên mưu của họ Tôn bị thất bại...
Nghe đến đây chúng tôi "sợ" quá. Quả là được nghe một bản "tổng thuận" giá trị Tây Du Ký. Biết chắc là Bác còn có cái gì đó nữa nên chờ...
Bác nói tiếp: "Người cách mạng chúng ta nếu không tu dưỡng thì cũng có phen có cái đuôi ấy, dù nhỏ sẽ có ngày gây hậu quả khôn lường"... Cả lớp ngồi im... ”[1]
Đến nay, câu chuyện Bác kể vẫn vẹn nguyên tính thời sự và ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta thấm nhuần những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới mà Người nêu lên và đã suốt đời không mệt mỏi tự rèn mình; giáo dục, động viên, cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng thực hiện. Đó là: “Nói phải đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức; Xây đi đôi với chống; Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Thực vậy, cái ác, cái xấu là kẻ thù của đạo đức, nhưng nó thường ẩn giấu bên trong con người, thậm chí đội lốt ngay trong cái vỏ đạo đức. Hơn nữa, nó là "giặc nội xâm", là kẻ thù bên trong nên vừa nguy hiểm, vừa khó phát hiện. Phương thuốc đặc hiệu nhất để phòng và chống kẻ thù vô hình này là phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức. Bởi vậy, mỗi người chúng ta phải tự ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức trong suốt cuộc đời; coi tu dưỡng đạo đức là một việc làm như rửa mặt hằng ngày. Nhận rõ phải, trái - Giữ vững lập trường – Tận trung với nước – Tận hiếu với dân. Xuất phát từ quan niệm “dân là chủ và dân làm chủ”; Nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, chính phủ, cán bộ, công chức nhà nước là công bộc của dân, phải nêu cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân.
Về chủ nghĩa cá nhân, Bác cho rằng: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng”. Theo Bác, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của cách mạng, nó là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tha hoá Đảng, chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân thì cách mạng còn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm cần thiết, thường xuyên của những người cộng sản chân chính. Người cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên “trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết trên trán chữ “cộng sản” là được họ yêu mến”, mà phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, chống sa vào chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”.
Trong cuộc sống hôm nay, đã có nhiều bài học về sự mất mát do thiếu tu dưỡng đạo đức. Có những cán bộ, đảng viên, trong gian khổ, tranh đấu thì hăng hái, trung thành, không sợ hy sinh, cực khổ, quyết chiến đấu đến cùng, nghĩa là có công với cách mạng. Nhưng khi có ít quyền hạn trong tay thì kiêu ngạo, xa xỉ, tham ô, lãng phí, quan liêu, cho mình có đủ thần thông để ngông cuồng, tự biến mình thành những "ông quan cách mạng". Những người này thậm chí đã kiên trì phấn đấu gần hết cuộc đời, có nhiều công lao, nhưng cuối đời đã không giữ được tấm lòng trong sáng, nên sự nghiệp đã đổ vỡ, thậm chí đã phải vào vòng lao lý.
Từ câu chuyện trên, Bác nhắc nhở mọi người phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng, rèn luyện. Đặc biệt đối với mỗi người cán bộ Kiểm sát chúng ta, là thành viên của Cơ quan bảo vệ hiến pháp, bảo vệ pháp luật, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành cũng là pho truyện dài về đấu tranh giữa thiện và ác, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mỗi người dân. Nếu không chịu khó học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, thì có ngày "cái đuôi dốt nát" sẽ lòi ra; vì không ai trên đời này chỉ cần học một lần là xong xuôi hết cả. Mặt khác, nếu không chịu khó tu dưỡng đạo đức, thì "cái đuôi cá nhân chủ nghĩa" cũng sẽ được mọc dần lên, vì trong mỗi người đều tồn tại cả cái tốt và cái xấu./.