Sự phát triển của mạng xã hội đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của một xã hội thông tin. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh sự tác động của mạng xã hội đến đời sống của con người có tính hai mặt. Bên cạnh những tác động tích cực, mạng xã hội cũng gây ra không ít những tác động tiêu cực, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh các thế lực thù địch, phản động đang lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội để tiến hành chống phá cách mạng Việt Nam.
Có thể thấy rằng, sau nhiều thập kỷ thực hiện chính sách thù địch, chống phá không đạt hiệu quả, các thế lực phản động ở trong nước và nước ngoài đang thay đổi phương thức hoạt động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vô hiệu hóa quân đội, tiến tới xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam. Chúng tấn công, phủ định, xuyên tạc học thuyết Mác - Lênin, đưa ra các luận điệu cổ vũ cho bạo lực, chiến tranh; phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận vai trò và thành tựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra, chúng còn bôi xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước với nhiều thủ đoạn tinh vi; chống phá chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Phương thức chống phá của chúng chủ yếu là sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng, sử dụng internet và truyền thông xã hội để chống phá; lợi dụng những hạn chế trong quản lý nhà nước để kích động biểu tình trái phép và xuyên tạc đường lối. Chúng lợi dụng, khoét sâu những thiếu sót trong công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, cũng như những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên để gây dao động về tư tưởng, gây mất lòng tin, thiếu đồng thuận trong Nhân dân, kích động, chia rẽ nội bộ để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta. Điều đáng lưu ý là gần đây đã xuất hiện thêm một số tài liệu chống đối trắng trợn hơn, xuyên tạc lịch sử cùng với những luận điệu hết sức phản động. Lợi dụng thời điểm Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, trong bối cảnh chống dịch Covid-19, chúng không ngừng chống phá Đảng, Nhà nước; lôi kéo tập hợp lực lượng và kích động tư tưởng chống đối; chia rẽ nội bộ Đảng với Nhân dân và Quân đội nhân dân.
Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội hiện nay là họ tìm mọi cách tập hợp những người có trình độ cao nhưng thiếu bản lĩnh chính trị, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống để tấn công trực tiếp vào nền tảng tư tưởng của Đảng, tìm mọi cách để chứng minh chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội là sai lầm; họ ra sức tuyên truyền và cổ súy cho hệ tư tưởng và nền dân chủ tư sản; xuyên tạc, bôi nhọ lãnh tụ và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc quan hệ giữa nước ta với các nước khác trên thế giới; lợi dụng, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin để kích động; tìm mọi cách để lập luận, chứng minh Đảng và Nhà nước ta không thực sự vì dân, chỉ có họ mới thực sự vì dân, vì nước, đứng ra đấu tranh để bảo vệ nhân dân; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ... lên án cán bộ, đảng viên của Đảng và Nhà nước tham nhũng, thiếu dũng khí, quyết tâm trong bảo vệ chủ quyền biển đảo... Khi Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đưa những vụ án lớn ra xét xử thì họ lại xuyên tạc đó là cuộc đấu đá giữa các phe phái trong Đảng, Nhà nước...
Với những sản phẩm truyền thông được đầu tư kỹ lưỡng và được lan tỏa, không chỉ khiến những người dân trình độ thấp, ít thông tin bị mê hoặc mà ngay cả một bộ phận người dân có trình độ cao hơn cũng hoang mang, hoài nghi và tin theo, từ đó hình thành dư luận xã hội tiêu cực một cách sâu rộng. Thủ đoạn tinh vi, phức tạp này còn được kết hợp với thủ đoạn dựng lên và tung ra những tin đồn thất thiệt, những thông tin sai sự thật hoàn toàn hoặc một phần để xuyên tạc và chia rẽ nội bộ ta.
Có thể khẳng định, các thế lực phản động, thù địch, cơ hội đang ráo riết tìm mọi cách để người dân giảm sút, tiến đến không còn tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ, từ đó tin vào những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch của chúng. Khi đã thuyết phục được một bộ phận người dân, họ tiến hành tập hợp lực lượng, liên kết các bộ phận này để tiến hành các hoạt động biểu tình, chống phá.
Chính vì vậy có thể khẳng định trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội, việc lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để chống phá cách mạng Việt Nam càng trở nên tinh vi, phức tạp với mức độ nguy hiểm khó lường. Vì vậy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là nhiệm vụ vô cùng cấp bách hiện nay.
Do đó, ngày 22/10/2018 Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã đáp ứng đúng và trúng yêu cầu của thực tiễn đặt ra và ngày càng phát huy hiệu quả tích cực.
Hiện nay, để thực hiện tốt các nội dung theo tinh thần của Nghị quyết 35, mỗi cán bộ, Đảng viên cần phải có những việc làm thiết thực, luôn ý thức tuyệt đối trung thành với đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước. Gương mẫu trong mọi hành động của bản thân đối với đồng nghiệp và nhân dân nơi cư trú. Không nghe và không làm theo những tuyên truyền sai trái về các chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước. Sống giản dị, tiết kiệm, tăng cường trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, biết gắn kết giữa việc thực hiện Nghị quyết 35 với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW “Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ra sức cùng cơ quan, đơn vị đưa công tác phòng, chống “diễn biến hòa bình”, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đi vào nền nếp đạt hiệu quả cao, phải luôn chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; không để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch hoặc tán phát những đơn thư nặc danh, mạo danh, hoặc thư có danh nhưng có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ, ngăn chặn, xử lý đúng pháp luật đối với các cá nhân lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá trên Internet, mạng xã hội. Sử dụng lành mạnh các trang mạng xã hội như Facebook, Internet, v.v…để phục vụ cho công tác chuyên môn của bản thân. Chủ động nhận diện, đấu tranh loại bỏ trước các âm mưu, thủ đoạn, hành động xấu xa của các thế lực thù địch, phản động, từ việc viết bài đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm xuyên tạc Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta, bôi xấu các lãnh đạo cấp cao, nhằm gây chia rẽ nội bộ; đến những việc như kêu gọi tụ tập, kích động biểu tình, chống phá; gây hấn, lăng nhục, chửi bới vô cớ, phạm pháp… để khiêu khích chính quyền, lực lượng chức năng “trấn áp” và quay video clip, chụp ảnh, livestream để vu oan cho chính quyền… Tích cực chia sẻ những thông tin chính thống để cùng tuyên truyền, vận động bạn bè, người thân, đồng nghiệp, nhân dân hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuyệt đối không nghe, đọc, tán phát, chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang dư luận; đồng thời, phải tố giác và sẵn sàng tham gia đấu tranh ngăn chặn kẻ xấu kích động thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, mỗi cán bộ, Đảng viên còn phải nêu cao tinh thần và tuyên truyền đến những người thân trong gia đình và nhân dân nơi cư trú cần có những biện pháp kịp thời ngăn chặn, đấu tranh với những thông tin xuyên tạc, các bài đăng, các hình ảnh phạm pháp… Xây dựng lối sống lành mạnh với gia đình và cộng đồng. Sống vui vẻ hòa nhã và xây dựng mối đoàn kết nội bộ ở cơ quan cũng như trên địa bàn cư trú.
Nhìn chung, các giải pháp đều rất cần thiết nhưng quan trọng và quyết định hơn vẫn là sự chủ động trong rèn luyện bản lĩnh chính trị, tích cực học tập nâng cao trình độ, tu dưỡng phẩm chất đạo đức của mỗi cá nhân. Bởi đó chính là yếu tố cơ sở nền tảng để mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân chủ động, tích cực, tự giác tham gia có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch vốn ngày càng phức tạp, khó khăn, lâu dài và cam go. Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet và mạng xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, của hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên. Các chủ trương, giải pháp cơ bản cần được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có hệ thống nhằm ngăn chặn, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động; góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; bảo vệ mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã của đất nước ta./.