Ngày 02/02/2023, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cuốn sách được xuất bản và ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là cuốn Cẩm nang về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có giá trị lý luận và thực tiễn quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và sự nghiệp cách mạng của nước ta hiện nay.
Quá trình thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã xác định: Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Từ đó, đề ra mục tiêu tổng quát, định hướng toàn bộ phương châm, tư tưởng hành động và các nhiệm vụ giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là: “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”. Mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sai phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai, làm nghiêm từ trên xuống dưới, không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào.
Nguyên tắc xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực là xử lý nghiêm, có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể.
Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người” nên phải xem xét kỹ động cơ, mục đích sai phạm, hậu quả thiệt hại và nguyên nhân để đánh giá khách quan, toàn diện trong tổng hòa các mối quan hệ, từ đó xác định đúng bản chất của vụ việc, hành vi sai phạm, lỗi, động cơ, mục đích; xử lý nghiêm hành vi sai phạm của những người vì động cơ vụ lợi, cá nhân; khuyến khích sự tự giác nhận khuyết điểm, sai phạm, tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, từ chức của người có sai phạm; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.
Đi đôi với việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiêu cực là xây dựng, hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực, từng bước hoàn thiện thể chế để đảm bảo “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực.
Từ thực tiễn của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, trong Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý, rất có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.
Trước hết là xác định tầm quan trọng đặc biệt của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các ngành, các cấp phải gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực; tiếp đó là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân cùng thực hiện.
Hai là, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; lấy tiền tài, của cải, vật chất do người khác “biếu xén”, “cho, tặng”, hối lộ với động cơ không trong sáng. Nó diễn ra đối với người có chức, có quyền. Vì vậy, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải kiên quyết, kiền trì, liên tục, bền bỉ, “không ngừng, không nghỉ” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực.
Ba là, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là “then chốt của then chốt”, “là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Do đó, phải đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác cán bộ; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Bốn là, phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Năm là, phải kiểm soát cho được việc thực hiện quyền lực nhà nước, quyền lực phải ràng buộc bằng trách nhiệm.
Sáu là, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò nồng cốt và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan chức năng có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bảy là, gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và an toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tám là, các giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải phù hợp với bối cảnh, yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và truyền thống dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài; kế thừa kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước.
Những bài học kinh nghiệm trên là vô cùng quý báo, là Cẩm nang trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề rất cốt lõi để xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, thể hiện nhuần nhuyễn phương châm: kết hợp đồng bộ giữa “xây” và “chống”; giữa đẩy lùi và ngăn chặn từ sớm, từ xa; giữa xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc và phòng ngừa, giáo dục; giữa xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị tư tưởng, tổ chức và cán bộ gắn liền với chống suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; giữa quyết tâm chính trị của người đứng đầu Đảng, của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị với sự đồng thuận, ủng hộ của quần chúng, nhân dân.
Vì thế, Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự là Cẩm nang quý báu với mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện để tự soi, tự sửa mình, để cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, đồng thời góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, để xây dựng và chỉnh đốn Đảng càng trong sạch, vững mạnh./.